Nơi đó có những cánh rừng bạt ngàn hơn 100.000ha rừng tràm, rừng đước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar thế giới. Đó là tài nguyên vô giá để Cà Mau phát triển du lịch sinh thái, ẩm thực.
Du khách tham quan Đất Mũi Cà Mau. |
Thay áo mới…
Mấy năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã nhiều nỗ lực, tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ cho ngành Du lịch. 5 năm trước, đoạn đường Năm Căn -Đất Mũi, được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, nối liền tuyến đường Cà Mau - Đất Mũi. Từ Cà Mau đến Đất Mũi, không còn đò giang cách trở, như vậy con đường Quốc lộ 1A từ Móng Cái đến Mũi Cà Mau nối liền một mạch, mở đường cho du khách đến Đất Mũi Cà Mau tham quan nơi thiêng liêng của vùng đất cuối cùng của Tổ quốc dễ dàng thuận lợi hơn.
Để thêm sản phẩm điểm tham quan Đất Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng nhiều công trình mới tại các tuyến, điểm du lịch. Cuối năm 2019, Cà Mau khánh thành nhiều công trình xây dựng mới như: Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ, Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi. Nhiều người cho rằng Cà Mau đã “thay áo mới” để đón du khách. Nếu như trước đây, du khách đến Mũi Cà Mau chỉ đi loanh quanh rừng đước, rồi chụp ảnh lưu niệm tại mốc quốc gia thì nay được tham quan ngắm nhìn và chụp ảnh lưu niệm ở nhiều nơi. Ngày khánh thành, hàng ngàn người đã về Đất Mũi Cà Mau để cảm nhận “áo mới” Cà Mau.
Nơi đó, có đền Lạc Long Quân và Tượng Mẹ bên bờ biển cực Nam Tổ quốc. Đây là kết quả từ ý tưởng của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Tại Lễ khánh thành, ông Vũ Tiến Lộc, cho biết: “Tôi nhớ một kỷ niệm (tháng 8/2018 - PV), trong chuyến đi công tác tại Cà Mau, sau khi thăm Đất Mũi, như một sự hợp duyên tôi và đồng chí Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải, đã có cùng chung một ý tưởng đề xuất và vận động xây dựng đền thờ Lạc Long Quân và Tượng đài Mẹ tại nơi Đất Mũi. Mấy ngày nay, được chứng kiến cảnh đồng bào Cà Mau, các cụ già, các em nhỏ, các bác cựu chiến binh chụp ảnh, ghi hình, kể chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân, tôi thật sự xúc động - tinh thần dân tộc của người Việt Nam là sức mạnh tuyệt vời”.
Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau. |
Không ít du khách thích ngắm nhìn và chụp ảnh lưu niệm tại Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi - Cà Mau. Cột cờ Hà Nội được thiết kế và xây dựng mô phỏng theo Cột cờ Hà Nội cổ xưa, có chiều cao 41m, với vốn đầu tư 149 tỷ đồng do Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng tỉnh Cà Mau. Tại Lễ khánh thành, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, cho biết: “Hà Nội cùng với cả nước và cả nước với Hà Nội, với tình cảm gắn bó Hà Nội - Cà Mau. Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau vừa là biểu tượng văn hóa vừa khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Thủ đô Hà Nội rất vinh dự đóng góp một công trình văn hóa cho Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung, góp phần để thu hút du khách đến tham quan Mũi Cà Mau”.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, phấn khởi nói: “Điều phấn khởi đáng mừng là Cà Mau có nhiều đổi thay diệu kỳ. Xứ sở Cà Mau đang thay da đổi thịt, đưa ngành Thủy sản và Du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cà Mau muốn gửi thông điệp cùng du khách, bạn bè gần xa những sản phẩm đặc trưng của hệ sinh thái ngập nước, những chuyến du lịch khám phá về biển, đảo quê hương mà trong vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ đó, còn chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng, riêng có rất sâu đậm chất Tây Nam bộ, về những tình cảm ấm áp con người Cà Mau nơi cực Nam Tổ quốc, sẽ mang đến cho nhân dân và du khách những trải nghiệm hấp dẫn nhất, ấn tượng nhất và khó quên nhất khi đến với Cà Mau”.
“Nụ cười tỏa nắng” sẽ là thương hiệu du lịch Cà Mau
Cà Mau với tiềm năng lợi thế là hệ sinh thái rừng ngập mặn và ngập ngọt, bạt ngàn rừng đước, bát ngát rừng tràm sẽ là tài nguyên du lịch sinh thái vô giá ít nơi nào có được. Theo các chuyên gia du lịch, Cà Mau có nhiều lợi thế, dư địa để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, ẩm thực thủy hải sản, du lịch đường biển… Tuy nhiên, những năm trước, du lịch Cà Mau còn nhiều bất cập là cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, sản phẩm dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Năm 2018, Cà Mau đón 1,24 triệu lượt du khách và năm 2019 đón khoảng 1,7 triệu lượt. Năm 2020, mục tiêu Cà Mau phấn đấu đón 1,9 triệu lượt du khách, trong đó, có 30 ngàn lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu ngành Du lịch 2.600 tỷ đồng nhưng do ảnh hưởng hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch Cà Mau đã bị sụt giảm, trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ đón được gần 630 ngàn lượt du khách, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt doanh thu chỉ 924 tỷ đồng, đạt 35,56% kế hoạch năm.
Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ tại Mũi Cà Mau. |
Theo ông Peerapol Triyakasem - Chủ tịch Vietnam Center in Thailand, Chủ tịch Công ty Du lịch Virgo Solution (đã sinh sống ở Việt Nam hơn 30 năm và có nhiều kinh nghiệm làm du lịch) cho rằng, Cà Mau có nhiều tài nguyên du lịch. Du lịch đường biển Cà Mau nay chưa được đầu tư và khai thác nhưng theo ông Peerapol Triyakasem thì du lịch đường biển sẽ đầy triển vọng. “Tôi nghe nói tỉnh đang có dự án mở rộng Cảng hàng không Cà Mau và nhắm tới cảng biển. Phát triển du lịch đường biển không dễ dàng nhưng Cà Mau có một số điểm thuận lợi để làm tốt du lịch hàng hải, có chi phí thấp hơn nhiều so với du lịch hàng không. Vì vậy, tôi đề xuất kết hợp bến cảng phục vụ đánh bắt thủy sản, đồng thời là cảng du lịch. Hy vọng không bao lâu nữa Cà Mau sẽ đón được tàu du lịch lớn”, ông Peerapol Triyakasem nói.
Ông Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, Chuyên gia tư vấn du lịch cũng cùng chung ý tưởng với ông Peerapol Triyakasem, cho rằng tương lai du lịch đường biển Cà Mau sẽ phát triển. “Khi Thái Lan đào kênh Kra thì Cà Mau nằm rất gần tuyến hàng hải mới. Do đó, từ nay đến năm 2025, nên nâng cấp cảng dùng chung để đón được du thuyền loại trung bình (300-500 khách); đồng thời quy hoạch khu vực xây dựng cảng đón du thuyền lớn trong tương lai, quy hoạch đường vận chuyển và tuyến tham quan trong ngày, quy hoach dịch vụ dành cho khách du lịch tàu biển và nâng cấp sân bay. Việc mở tuyến tàu biển sẽ gặp khó khăn về hạ tầng, vốn, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nếu phát triển được du lịch đường biển, du lịch Cà Mau sẽ khác biệt với các tỉnh còn lại ở Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Phan Đình Huê chia sẻ.
Nhiều du khách Hà Nội thích trải nghiệm khám phá U Minh Hạ |
Trong một chuyến về Cà Mau tham dự sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Cà Mau ẩn chứa biết bao giai thoại, khác biệt hơn tất cả nơi khác là nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Đó là dãy rừng ven biển ngập mặn, ngập lợ, cả rừng tràm nằm sâu trong đất liền tạo nên hệ sinh thái động thực vật phong phú. Đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Đan xen giữa những rừng cây là những dòng sông uốn lượn. Dưới tán rừng là những đầm tôm, ruộng lúa cùng các vườn cây ăn trái, sân chim tự nhiên, với nhiều loại chim muông quý hiếm… tạo nên các tuyến du lịch sinh thái vô cùng độc đáo và hấp dẫn. Tuần Văn hóa - Du lịch Cà Mau là cơ hội tốt để giới thiệu quảng bá hình ảnh một Cà Mau giàu tiềm năng, năng động, cởi mở; một mũi tàu khát vọng rẽ sóng ra khơi xa. Tuần Văn hóa - Du lịch sẽ là sự khởi đầu cho những thảo luận, trao đổi, khơi dậy niềm cảm hứng mới, hợp tác giúp du lịch Cà Mau tăng tốc phát triển. “Nụ cười tỏa nắng của mọi người dân Cà Mau đại diện cho sự thân thiện hồn hậu, tận tâm với du khách là cách quảng bá du lịch hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất và bền vững nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đánh thức và khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch, UBND tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai xây dựng nhiều dự án tuyến điểm du lịch. Theo kế hoạch năm 2020, sẽ hoàn chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và Khu du lịch sinh thái đầm Thị Tường, Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ, hoàn thành tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc gắn với đầu tư hoàn chỉnh mở rộng Khu di tích hòn Đá Bạc (giai đoạn 1). Và theo Kế hoạch số 30/KH-UBND của UBND tỉnh Cà Mau, với mục tiêu đến năm 2030 đón 2,8 triệu lượt du khách, trong đó có 110 ngàn lượt khách quốc tế, tổng doanh thu ngành Du lịch đạt khoảng 7.200 tỷ đồng, sẽ mời gọi đầu tư xây dựng: Khu du lịch U Minh Hạ, Khu du lịch sinh thái đầm Thị Tường, Khu du lịch Năm Căn, Điểm du lịch di tích bác Ba Phi, Điểm du lịch sông Trẹm, Du lịch sinh thái cụm đảo Hòn Khoai...
Cà Mau đã và đang thay “áo mới” đẹp hơn để mời gọi khách lạ ngàn phương như bài hát “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn: “Em đứng mình ên một hướng, duyên dáng mời khách lạ ngàn phương. Cà Mau mặc thêm áo mới, về Cà Mau là thấy thương em rồi”. Mọi du khách sẽ đặt chân đến Đất Mũi Cà Mau như niềm tự hào: “Ơi... Đất Mũi Cà Mau, nên thơ đẹp giàu, trăm thương ngàn mến...” như lời bài hát “Đất Mũi Cà Mau” vậy.
Theo Báo Xây Dựng