Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Trong báo cáo cách đây ba năm, Euromonitor từng định giá thị trường pizza tại Việt Nam với quy mô đạt gần 120 triệu USD.
Quy mô doanh thu khiêm tốn hơn các chuỗi gà rán nhưng tăng trưởng của những cửa hàng pizza đều ở ngưỡng hai con số.
Là một nhánh của lĩnh vực kinh doanh đồ ăn nhanh (fastfood), doanh thu các các chuỗi nhà hàng pizza, burger các năm gần đây liên tục tăng. Xét về quy mô, chuỗi nhà hàng này vẫn xếp sau các chuỗi gà rán, nhưng mức tăng trưởng lại cao hơn hẳn.
Năm 2019, chuỗi Pizza Hut đạt doanh thu 749 tỷ đồng, còn The Pizza Company đạt hơn 617 tỷ đồng, tăng 21,8% và 24% so với năm 2018. Được xem là "sinh sau, đẻ muộn" trong nhóm này, nhưng Pizza 4Ps cũng tiếp tục thu hẹp khoảng cách khi ghi nhận doanh thu gần 570 tỷ đồng, tăng 34%.
Pizza dễ chiếm cảm tình của khách hàng nhờ thành phần chính làm từ bột mì, cũng tương tự bánh mì, vốn đã quen thuộc với khẩu vị của người Việt. Trong báo cáo cách đây ba năm, Euromonitor từng định giá thị trường pizza tại Việt Nam với quy mô đạt gần 120 triệu USD.
Pizza Hut, một thương hiệu khác của tập đoàn Yum!, bên cạnh KFC, là một những chuỗi tham gia sớm nhất tại thị trường Việt Nam. Thương hiệu này xuất hiện lần đầu vào năm 2006 và sớm chiếm được lợi thế nhờ đi đầu. Doanh thu của Pizza Hut không thể so sánh với KFC nhưng cũng liên tục tăng. Năm 2016, sau 10 năm góp mặt tại Việt Nam, doanh thu của chuỗi này vượt mốc 400 tỷ.
Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm gần đây, tốc độ của Pizza Hut chậm lại khi áp lực cạnh tranh trên thị trường gia tăng. Sự xuất hiện của những tên tuổi mới, cùng mô hình kinh doanh pizza những cửa hàng nhỏ lẻ khiến họ chững lại. Giai đoạn 2015-2018, doanh thu của chuỗi này không năm nào tăng quá 20%, thậm chí năm 2017-2018, mức tăng trưởng chỉ còn hơn 6%. Phải tới 2019, doanh thu của chuỗi này mới bật trở lại nhờ tốc độ mở rộng và đưa thêm nhiều dịch vụ mới.
So với Pizza Hut, The Pizza Company và Pizza 4Ps tham gia thị trường muộn hơn, nhưng đang mở rộng với tốc độ nhanh hơn. Năm 2016, doanh thu của hai chuỗi này chưa tới một phần ba so với Pizza Hut nhưng đến nay đã thu hẹp khoảng cách xuống chỉ còn vài chục phần trăm.
The Pizza Company, thương hiệu thuộc tập đoàn Minor Food Group, mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2013. Đến nay, chuỗi này gia tăng quy mô lên hơn 70 cửa hàng, thu hẹp khoảng cách so với hơn 90 cửa hàng của Pizza Hut. Doanh thu vì thế cũng tăng vượt ngưỡng hơn 600 tỷ đồng vào năm 2019.
So với hai thương hiệu nước ngoài, câu chuyện của Pizza 4Ps có phần khác biệt hơn. Chuỗi nhà hàng được sáng lập tại chính Việt Nam từ năm 2011, bởi hai vợ chồng người Nhật, Yosuke và Sanae Mashiko, đang trở thành đối trọng lớn nhất với các thương hiệu nước ngoài.
Mặc dù cũng chọn pizza làm sản phẩm chính, nhưng Pizza 4Ps tự định vị mình là một chuỗi nhà hàng (fine-dining) thay vì một cửa hàng thức ăn nhanh hay cửa hàng pizza như những thương hiệu khác. Với sự tự chủ về hầu hết nguyên liệu, cùng quy trình khắt khe trong chọn địa điểm và đào tạo nhân viên, nên xét về quy mô số cửa hàng, Pizza 4Ps khiêm tốn hơn hẳn hai đối thủ dẫn đầu. Tuy nhiên, hiệu suất kinh doanh của chuỗi này lại vượt xa hai thương hiệu nước ngoài.
Tổng số nhà hàng của Pizza 4Ps đến nay chỉ có 20, tập trung ở bốn thành phố lớn, so với quy mô hơn 90 cửa hàng của Pizza Hut và hơn 70 cửa hàng của The Pizza Company. Tuy nhiên, doanh thu năm 2019 của chuỗi này vẫn đạt gần 570 tỷ đồng, chỉ kém hai chuỗi đứng đầu 25% và 8%. Tốc độ tăng trưởng của tương đương với The Pizza Company và vượt xa Pizza Hut những năm gần đây.
So về lợi nhuận, Pizza 4Ps cũng vượt trội hơn. Trong khi Pizza Hut lỗ ba trong bốn năm gần nhất, The Pizza Company lỗ đều đặn ba năm gần đây hơn trăm tỷ đồng thì Pizza 4Ps đã có lãi sau 5 năm đi vào hoạt động và hai năm gần nhất chuỗi này đều lãi hơn 50 tỷ đông.
So với pizza, các cửa hàng nhượng quyền burger có phần "im hơi lặng tiếng" hơn. McDonald's, thương hiệu đình đám nhất trong nhóm này, ghi nhận doanh thu hơn 500 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 34% so với năm trước. Tốc độ tăng doanh thu trong ba năm gần nhất của chuỗi này đạt xấp xỉ 30%, nhưng khoản lỗ cũng được gia tăng cùng chiều. Năm gần nhất, McDonald's lỗ 186 tỷ đồng.
Trong khi đó, Burger King, một thương hiệu do Tập đoàn Imexpan Pacific của ông Jonathan Hạnh Nguyễn là đối tác kinh doanh nhượng quyền, chững lại trong những năm gần đây. Doanh thu của chuỗi này chỉ quanh mức vài chục tỷ đồng, với số lượng cửa hàng hiện chỉ còn 9, gồm 3 cửa hàng ở Hà Nội, 5 cửa hàng tại TP HCM và 1 tại Kiên Giang.
Theo Kinh Tế Chứng Khoán