34 cây gỗ sưa này thuộc giống gỗ sưa đỏ quý hiếm, được trồng trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Vì thế, để tránh mất cắp những cây sưa này được lắp hàng rào sắt cao tới 2m và được hàn kiên cố để bảo vệ. Cây cũng được chôn sâu xuống tới gần 1m và được lắp tới 5 chiếc camera kết nối với 1 trung tâm kiểm soát ở ngay đầu đường với màn hình hiển thị hình ảnh theo dõi 24/24.

Ban đêm, sẽ có 2 nhân viên bảo vệ đi tuần dọc đoạn đường trồng cây dài khoảng 200m này. Đặc biệt, những cây sưa đỏ có giá trị cao được bố trí ngay phía trước trụ sở Công an Quận Cầu Giấy để đảm bảo an toàn.

Sở dĩ những cây hoa sưa này được bảo vệ nghiêm ngặt như vậy là do đây là loài cây thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam và trên thị trường, theo một số nguồn tin, những cây gỗ quý này được định giá lên tới hàng tỷ đồng.

Sưa hay sưa Bắc Bộ, còn có tên là trắc thối, huê mộc vàng, huỳnh đàn, hoàng đàn, tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain, là một loài cây thân gỗ thuộc họ Đậu.

Có hai loài sưa chính là sưa trắng và sưa đỏ. Sưa trắng cho hoa đẹp, quả to, đốt không có mùi. Sưa đỏ trông gần giống sưa trắng, quả kết thành từng chùm, hoa màu vàng nhạt, lá so le. Sưa đỏ thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại.

Do bị các đối tượng săn lùng khắp nơi nên số lượng của chúng ngoài tự nhiên gần như tuyệt chủng.  Vì vậy việc bảo vệ cây gỗ sưa tại Việt Nam đang là một việc rất đáng lo ngại.

Theo một số nguồn tin, sở dĩ gỗ sưa đỏ có giá trị cao bởi vân gỗ sưa đỏ được giới chuyên môn xếp vào hàng đệ nhất vân trong tất cả các loài gỗ tại Việt Nam. Vân gỗ sưa đỏ nổi lên thành từng lớp với thớ gỗ nhỏ, mìn, có màu hồng hoặc đỏ sẫm, thi thoảng có đan xen thớ gỗ màu đen. Khi đưa gỗ sưa đỏ ra ánh sáng ta sẽ thấy có óng ánh 7 màu.

Bền như gỗ trắc nhưng dẻo dai hơn, gỗ sưa đỏ có thể tồn tại hàng trăm năm dù ngâm nước, không mối mọt, không nứt rạn nhờ lớp tinh dầu bảo vệ. Vân sưa đỏ tạo hiệu ứng thị giác đẹp mắt, tính thẩm mỹ cao.

Hàng gỗ sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội được bảo vệ nghiêm ngặt