Các hãng hàng không đã sẵn sàng
Văn phòng Chính phủ ngày 15/9 đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ GTVT. Cụ thể, từ ngày 15/9 sẽ triển khai đối với các đường bay Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam - Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei). Từ ngày 22/9 triển khai đối với các đường bay Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane). Tần suất không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi hãng với số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm cho phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện theo nguyên tắc “có đi có lại” đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí, các điều kiện nhập cảnh khác. Đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại từ 6 địa bàn trên sẽ không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba.
Với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay. Được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly, được cách ly tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
Đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, thân nhân và học sinh, sinh viên quốc tế, thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam cũng có yêu cầu phải có giấy xác nhận âm tính, được xét nghiệm và cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú.
Với người Việt Nam cũng có những yêu cầu trên nhưng được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc các khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đồng ý xem xét rút ngắn thời gian cách ly (khoảng 5 ngày) cho những người trên sau khi có kết quả RT-PCR 2 lần âm tính, sau đó cho phép được về tự cách ly, theo dõi giám sát y tế tại nhà, trụ sở doanh nghiệp, cơ quan theo đúng quy định.
Còn những người quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Các đối tượng này được xét nghiệm RT-PCR với SARS-CoV-2 ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly. Việc thực hiện cách ly được thực hiện tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân. Với chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động, kỹ thuật cao và thân nhân, học sinh sinh viên quốc tế... được cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú. Người Việt Nam sẽ được cách ly tập trung, do quân đội quản lý tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
Để đón đầu việc mở lại đường bay quốc tế, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã công bố khai thác trở lại đường bay Việt Nam - Nhật Bản với các chuyến từ Hà Nội, TP.HCM đi sân bay Narita (Tokyo), nhằm đưa hành khách từ Việt Nam đến Nhật Bản lao động, học tập và sinh sống với giá vé trên 10 triệu đồng/chiều. Các chuyến bay chở khách chiều ngược lại từ Nhật về VN sẽ được hãng thực hiện sau khi có quyết định chính thức của cơ quan chức năng. VNA cũng đang xây dựng phương án khôi phục các đường bay đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia trong thời gian tới.
Theo đại diện VNA, việc chuẩn bị cho khai thác trở lại các đường bay quốc tế không quá khó khăn, do hãng vẫn duy trì hoạt động thường xuyên trên mạng bay quốc tế qua các chuyến đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách 1 chiều từ VN ra nước ngoài. Từ tháng 6, VNA cũng đã khai thác trở lại các đường bay 1 chiều từ Hà Nội, TP.HCM đến Seoul (Hàn Quốc) với tần suất 2 - 4 chuyến/tuần; và đến Franfurt (Đức) với tần suất 1 chuyến/tuần.
Tương tự, Vietjet Air và Bamboo Airways đều bày tỏ đã sẵn sàng cho việc khai thác trở lại các đường bay quốc tế khi được Chính phủ cho phép.
Phương án được Cục Hàng không Việt Nam xây dựng thì đối tượng được nhập cảnh khi mở lại đường bay quốc tế gồm: các nhà ngoại giao, công vụ; công dân Việt Nam có nhu cầu về nước; công dân Việt Nam đi lao động tại các nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc; người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm. Với 6 đường bay quốc tế được mở trong tháng 9, dự kiến mỗi tháng có 20.000 người nhập cảnh Việt Nam qua sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ.
Khôi phục du lịch: Vẫn phải chờ!
Trước đó, giữa tháng 6, thông tin Chính phủ yêu cầu nghiên cứu mở lại các đường bay quốc tế nhận được rất nhiều sự trông đợi của các doanh nghiệp (DN) hàng không, lữ hành. Việc mở cửa bầu trời tại thời điểm đó được đánh giá là liều thuốc hiệu quả nhất “cấp cứu” cho ngành hàng không, du lịch, vực dậy nền kinh tế. Từ DN cho tới các hiệp hội, hội đồng tư vấn du lịch..., rất nhiều đơn vị đã kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng đề xuất thực hiện nhanh các quy trình để tổ chức thực hiện các chuyến bay song phương an toàn.
Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh tái bùng phát tại Đà Nẵng, chiến lược vực dậy ngành du lịch đã có rất nhiều thay đổi. Trước kế hoạch chi tiết mở lại một số đường bay quốc tế, các DN lữ hành đánh giá chỉ mang nhiều ý nghĩa về tâm lý, giúp mọi người hy vọng du lịch đang từng bước quay trở lại, còn về doanh thu thì chưa đủ để cứu các DN lữ hành, khách sạn, nhà hàng...
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, thừa nhận ngành du lịch hiện chỉ có thể tập trung vực dậy thị trường nội địa, chưa thể trông chờ vào khách quốc tế. Những diễn tiến dịch bệnh trong thời gian qua khiến mọi động thái mở cửa thị trường buộc phải thực hiện rất thận trọng, tuân thủ nghiêm ngặt quy định chống dịch, với mục tiêu an toàn phải đặt lên hàng đầu. Thực tế cho tới bây giờ, một số lượng lớn khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm phục vụ chủ yếu cho khách nước ngoài vẫn chưa thể mở cửa trở lại, kéo theo cả hệ thống cung ứng dịch vụ cho du lịch, hàng triệu lao động, hàng trăm DN “chết” theo.
Số lượng chuyên gia, người lao động được phép nhập cảnh Việt Nam làm việc tuy không quá nhiều nhưng cũng sẽ góp phần kích hoạt hệ thống khách sạn, một số loại hình dịch vụ, mở dần du lịch cũng như các hoạt động kinh tế khác. Đồng thời, giải cứu các hãng hàng không trong bối cảnh các đường bay quốc tế đã đình trệ thời gian quá dài.
“Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta không thể trông chờ việc mở cửa nhanh chóng, vội vàng tăng doanh thu để vực dậy kinh tế. Trước mắt, du lịch và hàng không vẫn cần tập trung kích cầu, phục hồi hoàn toàn du lịch nội địa. Mở cửa bầu trời từ từ, thận trọng sẽ là bước đà, bước thí điểm để cả hàng không và du lịch thực tập, chuẩn bị kỹ hơn cho bước mở tiếp theo, sâu hơn vào thị trường du lịch quốc tế”, ông Thọ nhận định.
Doanh nghiệp cần tái cơ cấu
Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng cũng là “tấm lưới” sàng lọc DN yếu kém. Để có thể tồn tại và phát triển, đòi hỏi DN du lịch tái cơ cấu hoạt động, xác định thị trường khai thác trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, DN du lịch nếu đợi thế giới công bố hết dịch mới triển khai các hoạt động thì đã quá muộn và bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, DN phải đặt đảm bảo an toàn cho du khách lên hàng đầu; không nên chạy theo số lượng mà cần tính đến việc khai thác dòng khách có khả năng chi trả cao. Có như vậy là bởi, lượng khách quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến không thua kém so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... nhưng doanh thu trên mỗi khách chỉ đạt trên dưới 1.000 USD/người, còn Thái Lan thu 1.600-1.700 USD/người.
Đứng ở góc độ chuyên gia, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho biết, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nên thời kỳ hậu Covid-19, chúng ta phải làm mới ngành du lịch. Cụ thể, chúng ta cần có chiến lược phát triển cụ thể, mang tính dài hạn, không chỉ xoay quanh việc hạ giá, kích cầu mà nên chú trọng tái cấu trúc ngành du lịch bằng việc làm cụ thể, từ xác định thị trường, xúc tiến quảng bá và mở rộng các nước được miễn visa để thu hút khách. Đồng tình với phân tích này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn hiến kế: Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để tái cấu trúc là một giải pháp DN du lịch nên áp dụng. Cụ thể DN đổi mới mô hình quản lý và phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách xây dựng kế hoạch chiến lược và ứng dụng CNTT, qua đó thiết lập “hệ sinh thái du lịch thông minh”. “Việc áp dụng công nghệ số sẽ giúp DN tính toán được xu hướng nhu cầu của khách. Thành công bước đầu của những sàn giao dịch du lịch trực tuyến “made in Vietnam” như: yeudulich.com, tripi.com, welcome.vn, ivivu.com… đã trở thành điểm nhấn về khả năng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh” - ông Anh Tuấn nêu rõ.
Ý kiến của chuyên gia cho thấy, để khôi phục hoạt động, đòi hỏi DN du lịch bên cạnh việc xây dựng sản phẩm mới cần tái cơ cấu lại hoạt động, theo hướng cắt giảm tối đa các chi phí không đáng có, xác định lại phân khúc thị trường khách quốc tế đến Việt Nam du lịch kết hợp kinh doanh.
Theo Công Luận