Bởi lẽ, dù đã quen thuộc với người dân trong nước và bạn bè quốc tế, nhưng áo dài Việt Nam vẫn chưa có cơ sở pháp lý nào để khẳng định bản quyền.
Rất nhiều nhà thiết kế lẫn công chúng đã bày tỏ sự âu lo khi thời gian gần đây một số quốc gia trong khu vực đưa ra trang phục tương tự áo dài để khẳng định giá trị sáng tạo của họ.
Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”
44 tham luận được trình bày tại hội thảo đều tập trung làm rõ 4 chủ đề.
Thứ nhất là lịch sử phát triển áo dài Việt Nam. Thứ hai là nhận diện, giá trị, bản sắc và biểu tượng của áo dài.
Thứ ba là sự đa dạng, kiểu cách thiết kế của áo dài. Thứ tư là giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam.
Từ những phác thảo đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Cát Tường đến nhưng chi tiết cải tiến của họa sĩ Lê Phổ, áo dài bắt đầu thịnh hành tại Việt Nam từ thập niên 30 của thế kỷ trước.
Gần 100 năm qua, áo dài cũng có số phận thăng trầm như dân tộc Việt Nam, nhưng vẻ dịu dàng và sức quyến rũ vẫn không hề thay đổi.
Trong quá trình hội nhập, tài năng của các nhà tạo mẫu Sỹ Hoàng, Minh Hạnh, Liên Hương, Việt Hùng, Ngô Nhật Huy… đã góp phần đưa áo dài Việt Nam trở thành biểu tượng thẩm mỹ của phụ nữ Việt Nam.
Thực tế đã chứng minh, áo dài Việt Nam và sườn xám Trung Quốc là hai trang phục khác biệt và độc lập. Không hề có bất cứ sự liên hệ hoặc sự kế thừa nào giữa hai trang phục này.
Đó là điều mà nhiều nhà nghiên cứu thời trang và văn hóa đã tái khẳng định thêm lần nữa tại hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”.
Hiện nay, chưa có văn bản luật pháp chính thức công nhận áo dài là “quốc phục”, nhưng khái niệm “áo dài dân tộc” hoặc “trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam” đã được hình thành một cách bền vững. Bây giờ, muốn xác lập bản quyền áo dài Việt Nam thì phải làm gì?
Thông qua hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”, các đại biểu kiến nghị gấp rút hoàn thiện hồ sơ trang phục áo dài để đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là bước đi quan trọng đầu tiên để củng cố bản quyền áo dài thuộc về người Việt Nam và được toàn bộ người Việt Nam ủng hộ.
Sau đó tiến tới đệ trình ghi nhận vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, theo tiêu chí của UNESCO.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam