Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động TTCK Việt Nam và 20 năm HOSE

Khát vọng vươn lên

Ngay trong lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động TTCK Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (20/7/2000-20/7/2020) đã nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra với TTCK sau 20 năm hoạt động cần có sự phát triển về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng - ngân hàng.

Ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn, đưa TTCK Việt Nam sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, mang tầm vóc khu vực, toàn cầu.

Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững trong 15-20 năm tới.

Báo cáo về hoạt động của TTCK 20 năm qua, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, TTCK Việt Nam đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM cách đây 20 năm, đến nay, TTCK Việt Nam đã có 2 Sở Giao dịch chứng khoán và một Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cùng nhau vận hành các hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán một cách thông suốt, an toàn, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hiệu quả của thị trường.

Cơ cấu của thị trường cũng từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu lúc ban đầu, đến nay chúng ta đã có thêm các thị trường mới giao dịch trái phiếu chính phủ và thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh.

Thị trường cổ phiếu khởi nguồn có 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu, đến nay đã có trên 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký  giao dịch với giá trị vốn hóa gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP.

Nhiều doanh nghiệp đã huy động được một lượng vốn lớn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu để mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Đại diện một doanh nghiệp niêm yết hàng đầu hiện nay, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup  (VIC) cho rằng, lợi ích lớn nhất của việc niêm yết chính là có thể huy động được nguồn vốn dài hạn, hiệu quả.

“Chúng tôi huy động được hàng tỷ USD qua TTCK, từ cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hiệp cho biết.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) cho rằng, những điều mà Vinamilk đạt được sau cổ phần hóa là điều mà bản thân những người lãnh đạo Công ty cũng chưa bao giờ nghĩ tới.

Vốn điều lệ Vinamilk tăng 11 lần, vốn chủ sở hữu tăng 16 lần và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 20 lần so với trước khi cổ phần hóa.

Vốn hóa của Vinamilk hiện nay khoảng 9 tỷ USD, tức tăng 90 lần. Đứng ở góc độ hiệu quả vốn nhà nước, sau các đợt bán vốn, Nhà nước thu về hơn 1 tỷ USD, cổ tức nhận được khoảng 960 triệu USD.

Vốn của Nhà nước hiện nay tại Vinamilk còn khoảng 3,2 tỷ USD. Tổng cộng, Nhà nước có trên 5,2 tỷ USD, gấp 52 lần so với trước khi cổ phần hoá.

Thành tựu đáng ghi nhận khác là thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt. Thị trường vận hành từ năm 2009 đã nhanh chóng khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ.

Hỗ trợ cho việc huy động trái phiếu chính phủ được nhiều hơn, chủ động hơn, kỳ hạn ngày một dài hơn đến 30 năm và với mức lãi suất huy động liên tục năm sau giảm hơn so với năm trước, góp phần hiệu quả vào tái cơ cấu nợ công của Chính phủ.

Bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam cho rằng, thị trường trái phiếu chính phủ ngày càng phát triển, đã đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn trong nền kinh tế và hỗ trợ tích cực công tác phát hành trái phiếu chính phủ.

Kết quả này đóng quan trọng vào việc cơ cấu ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Trên thị trường hiện nay, có 74 công ty chứng khoán và 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với quy mô vốn ngày càng lớn và chất lượng dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường cũng gia tăng nhanh chóng, từ mức 3.000 tài khoản năm 2000 lên mức 2,5 triệu tài khoản hiện nay.

Trong đó, có khoảng 33.000  tài khoản của các tổ chức và cá nhân nước ngoài với tổng giá trị chứng khoán nắm giữ tương đương gần 35 tỷ USD tính đến 30/6/2020.

Là nhà đầu tư nước ngoài có thời gian song hành lâu nhất trên TTCK Việt Nam, ông Dominic Sriven, Chủ tịch Dragon Capital bày tỏ vinh dự là cổ đông lớn trong Công ty Quản lý quỹ VFM, trong công ty chứng khoán là Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC).

“Ý nghĩa lâu dài của sự đóng góp của cá nhân tôi và Dragon nằm ở việc giúp phát triển các định chế trong nước”, ông Dominic Sriven nói.

Chuẩn bị gì cho thập niên mới?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, TTCK Việt Nam hướng đến một TTCK hiện đại, với đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngang tầm với khu vực, thế giới, phấn đấu dưa TTCK Việt Nam trở thành trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Thời gian tới là giai đoạn để thị trường tiếp tục phát triển theo chiều sâu, bền vững và phát huy tối đa vai trò thúc đẩy kinh tế quốc gia.

Với Luật Chứng khoán mới có hiệu lực thi hành từ năm 2021, việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới và hiện đại là điều kiện nền tảng đã được chuẩn bị tốt để giai đoạn mới, thị trường sẽ phát triển về chất, đa dạng hoá sản phẩm và trở thành trung tâm tài chính khu vực.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE) - 1 trong 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên cho rằng, TTCK là kênh bỏ vốn của nhà đầu tư, kênh huy động vốn của doanh nghiệp, nên đòi hỏi thị trường về mặt luật pháp cần hoàn thiện hơn, hướng tới thị trường minh bạch, công bằng với mọi nhà đầu tư.

Về công nghệ giao dịch, thanh toán, nếu như cách đây 20 năm, nhà đầu tư muốn mua bán chứng khoán bắt buộc phải đến cơ sở của công ty chứng khoán để ký từng phiếu lệnh mua, lệnh bán và công ty chứng khoán buộc phải có đại diện giao dịch ngồi tại sàn giao dịch ngay tại trụ sở này để nhập lệnh, thì hiện tại, nhà đầu tư đã có thể sử dụng điện thoại di động để thực hiện giao dịch ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới.

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nền tảng giao dịch trực tuyến đã cho phép triển khai phương án vận hành thị trường trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong trường hợp trụ sở của các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và các công ty chứng khoán bị phong tỏa do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Trần Văn Dũng cho biết, một hệ thống giao dịch mới hiện đại hơn cũng đang được chuẩn bị để sẵn sàng đưa vào vận hành trong năm 2021, cho phép triển khai thêm nhiều dịch vụ mới, sản phẩm mới để phục vụ cho nhu cầu của nhà đầu tư, của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý thị trường ở mức độ cao hơn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TTCK cũng còn nhiều điểm hạn chế cần được khắc phục, hoàn thiện, mới có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn của thị trường trong thời gian tới và đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của đất nước.

Một số hệ thống giao dịch mới, sản phẩm mới cả trên thị trường cơ sở, TTCK phái sinh cần sớm được đưa vào vận hành.

Đội ngũ nhân sự làm công tác quản lý, vận hành TTCK cần tiếp tục được củng cố về năng lực tổ chức, đổi mới tư duy để kịp thời thích ứng với yêu cầu quản lý mới trong bối cảnh những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, những diễn biến phức tạp của thị trường trong nước cũng như tình hình kinh tế - chính trị quốc tế.


Theo Kinh Tế Chứng Khoán