Nội dung của phong trào nhắm đến các công ty kinh doanh ứng dụng mạng xã hội, yêu cầu phải có bộ lọc nội dung ngăn chặn các phát ngôn, hành vi cổ súy việc phân biệt giới tính, màu da, chủng tộc.
Trả lời Reuters, giám đốc điều hành Common Sense Media là Jim Steyer cho biết, họ chuẩn bị bước sang giai đoạn mới là kêu gọi sự đồng thuận từ các doanh nghiệp lớn tại châu Âu. Được mở ra từ đầu tháng 6, đến nay đã có hơn 160 công ty có tầm vóc quốc tế, chủ yếu là của Mỹ, hưởng ứng.
Mới nhất, tập đoàn viễn thông Verizon cùng hãng Unilever tuyên bố sẽ ngừng mua quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới là Facebook, có hiệu lực từ tháng 7. Unilever còn cho thay tên một sản phẩm làm trắng da bán rất chạy ở Ấn Độ để tránh bị hiểu lầm ra ngoài việc phân biệt màu da đơn thuần.
Không chỉ Facebook, nhiều nền tảng xã hội khác cũng đang bị nhắm đến để “thiệt lập trật tự mới”, như Twitter, Instagram... Starbucks tuyên bố hôm Chủ nhật vừa qua, rằng họ sẽ ngừng quảng cáo trên toàn bộ các mạng xã hội đến chừng nào họ đạt được tiếng nói chung với các tổ chức nhân quyền để tránh bị vướng vào chỉ trích “dính líu hay phát tán sự thù hận”.
Không phải là bắt tay trực tiếp với phong trào, nhưng cũng trong tháng 6, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra bộ quy tắc mới dành cho các công ty công nghệ trong đó có Facebook, yêu cầu báo cáo hàng tháng việc xử lý các thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19.
Hàng năm, Facebook đạt doanh thu khoảng 70 tỷ USD từ bán quảng cáo mà 1/4 số đó đến từ dịch vụ cung cấp cho các hãng lớn như Unilever.
Số còn lại là quảng cáo bán lẻ từ các doanh nghiệp nhỏ. Khi bị chỉ trích vì chính sách kiểm soát các nội dung có hàm ý phân biệt chủng tộc và bị các công ty lớn tạm ngừng mua quảng cáo, cổ phiếu Facebook lập tức lao dốc.
Số liệu được tiết lộ cho ngày thứ Sáu tuần trước là mất giá 8,3% khiến tổng vốn hóa thị trường của doanh nghiệp bị thổi bay 56 tỷ USD.
Khi phong trào lan rộng ra ngoài lãnh thổ Mỹ, nếu được hưởng ứng mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với doanh thu quảng cáo của Facebook sẽ bị thiệt hại tương ứng.
Tuy nhiên, tình hình đến nay có vẻ như chưa quá nguy hiểm với tình hình tài chính của Facebook. Như Unilever, vì chỉ tạm dừng từ tháng 7 đến hết năm, tức nguồn kinh phí như vẫn trả cho Facebook chỉ chiếm 10% ngân sách quảng cáo 250 triệu USD.
Chính vì vậy, giám đốc Jim Steyer muốn phát động ra toàn cầu để gây sức ép mạnh mẽ hơn. Unilever hay Honda hiện mới cam kết dừng quảng cáo trên thị trường Mỹ, nên Steyer đang thuyết phục hai hãng này dừng hẳn trên phạm vi toàn cầu.
Facebook ý thức được tầm mức vấn đề sẽ trở nên nguy hiểm nếu không hành động. Họ cho biết đã lập các nhóm làm việc cùng các chuyên gia, tổ chức dân sự, nhân quyền để lắng nghe ý kiến, phát triển các công cụ để tìm và chặn các “post” (tin đăng) có nội dung kích động thù hận. Facebook khẳng định công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) hiện có đủ năng lực nhận biết 90% các nội dung kiểu này.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam