Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, ví dụ như gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%). Mặt khác, EVFTA cũng tạo thêm việc làm giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân.
Nhưng đặc biệt hơn, EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt cơ hội chuyển giao công nghệ cũng như cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực này. Qua đó, giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản đồng thời giúp nông sản Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU.
Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội này không phải là dễ dàng. Cửa đã mở nhưng để có thể thông thương đòi hỏi nông sản Việt phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như tác động môi trường…
“Bản chất” của nông nghiệp nước ta vốn manh mún, nhỏ lẻ vì thế để giải bài toán không bị thị trường EU trả về như trước đây đòi hỏi người nông dân và doanh nghiệp phải nhanh chóng “thoát xác”. Trong đó, yêu cầu trước mắt là phải chủ động đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, việc giảm thuế theo cam kết của EVFTA chỉ là một phần nhưng quan trọng hơn là người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp cần có bản lĩnh, trình độ để từng bước vượt qua sự chênh lệch này, từ đó tạo nên những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao.
Với lĩnh vực xuất khẩu, việc giảm thuế nhập khẩu vào các nước cùng ký kết Hiệp định EVFTA sẽ khích lệ sự phát triển sản xuất các hàng hóa nông sản Việt Nam. Tuy vậy, muốn điều đó trở thành hiện thực thì Việt Nam phải vượt qua những rào cản kỹ thuật về kiểm định, kiểm dịch động thực vật. Sản phẩm sản xuất trong một điều kiện mang tính phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, chăm lo mọi mặt cho người lao động, không lãng phí tài nguyên, đảm bảo công bằng xã hội trong phân phối, xuất khẩu các sản phẩm đó.
Hiện nay, sản phẩm nông sản Việt Nam chiếm 70% tiêu thụ ở thị trường nội địa với thói quen sử dụng đơn giản, dễ dãi, kỷ luật sản xuất và thị trường còn lỏng lẻo. Do đó, cần có một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ trong sản xuất hàng hóa nông sản trong thời gian tới.
Ông Vinh nhấn mạnh, khi bước vào sân chơi lớn này, quy luật cạnh tranh sẽ bắt buộc chúng ta phải vươn lên để làm chủ được mình, thực hiện tốt nhất những cam kết đã ký với các nước. Nói cụ thể hơn, đó là tôm, cá, thịt Việt Nam xuất khẩu đừng để các nước trả về. Phải làm ăn bài bản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả cạnh tranh một cách hợp lý; Sản xuất kinh doanh phải phát triển bền vững, sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường; Thể chế kinh tế cần thông thoáng, minh bạch, thực hiện một nền kinh tế chia sẻ, không bỏ ai lại phía sau…
Theo Công Luận