Điều khác biệt trong kiến trúc
Khác hẳn với các cổng thành chính của kinh thành Huế đều nối với các trục giao thông đường bộ đi vào kinh thành, hai chiếc cổng này có kích thước nhỏ, nằm bên phải và bên trái của Đông Thành thủy quan, cách nhau vài trăm mét và kết nối với hệ thông đường thủy của sông Ngự Hà và Hộ Thành hào, cách sông Hộ Thành (Đông Ba) để ra bên ngoài.
Cổng được xây dựng theo hình thức cổng vòm, cao khoảng 0,7m, rộng khoảng 0,6m với 7 lớp gạch có giật cấp, phía dưới la những tảng đá xanh còn khá nguyên vẹn. Chiếc cổng có lối kiến trúc vòm 2 lớp liên kết nhau, vật liệu hoàn toàn đồng dạng với kinh thành, hình thức mỹ thuật được chăm chút rất kỹ, rất đẹp.
Nghiên cứu vị trí, kiến trúc của hai chiếc cổng này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa hết sức thích thú, ông đánh giá chúng có giá trị hết sức đặc biệt, bổ sung thông tin có liên quan đến hệ thống phòng thủ tại Đông thành Thủy quan. Nó cho thấy dù là hai cửa sông nhưng Đông thành Thủy quan và Tây thành Thủy quan lại khác nhau hoàn toàn.
Bí ẩn lịch sử được đề cập
Với hai chiếc cổng này, toàn bộ thư tịch của triều Nguyễn hầu như chưa đề cập đến. Ngay cả nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhiều năm nghiên cứu, khảo sát thực địa và sau đó viết cuốn “Kinh thành Huế” cũng không đề cập đến hai chiếc cổng này. Trong “Kinh thành Huế: Địa danh” của Cadière cho thấy ông đã biết đến hai chiếc cổng này nhưng không mô tả nhiều. Một thông tin quan trọng từ tác phẩm của Cadière cho thấy, ở vị trí số 120 có ghi chú thông tin về đội “Long Võ Hữu Vệ”, tức là có một đơn vị quân đội đóng ngay tại Đông thành Thủy quan tên là Long Võ Hữu Vệ. Có ý kiến cho rằng, sử sách không đề cập đến hai chiếc cổng này do đây là bí mật quân sự.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận định: “Chiếc cổng là môt phần của hệ thống kinh thành, là nới đóng quân của vệ binh bảo vệ Đông thành Thủy quan”. Ông cũng bày tỏ quan điểm của mình trước ý kiến cho rằng, hai chiếc cổng này là nơi đặt đại bác phòng thủ Đông thành Thủy quan. “So sánh với các pháo nhãn và tính khoảng cách khá cao từ mặt đất, cấu trúc của hai chiếc cồng này không phải để đặt pháo. Hơn nữa, kiến trúc của chúng được đánh giá là tuyệt đẹp, không ai xây dựng đài pháo đẹp như vậy”, ông Hoa chia sẻ.
Hàng chục năm nay do người dân sinh sống ở khu vực Kinh thành Huế nên việc tiếp cận nhiều vị trí ở đây để nghiên cứu rất khó khăn. Sau khi thực hiện di dời dân cư, nhiều điều bí ẩn mới dần lộ ra mang lại cho giới nghiên cứu, bảo tồn cũng như du lịch nhiều thông tin về hệ thống Kinh thành Huế. Dù chiếc cổng gạch này được xây dựng với chức năng gì thì đây hoàn toàn là một điều vô cùng thú vị.
Theo Công Luận