Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Theo thống kê, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của 27 ngân hàng đã công bố BCTC quý 2/2020 đạt hơn 62.693 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng trong quý 2/2020, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 33.286 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng khả quan hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7% của các ngân hàng trong quý đầu năm nay.
6 tháng đầu năm, Vietcombank vẫn giữ được vị thế “anh cả” của mình với 10.982 tỷ đồng lãi trước thuế, dù có giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng 40% so với cùng kỳ, VietinBank (CTG) tạm thời giữ vị trí thứ 2 khi báo 7.460 tỷ đồng lãi trước thuế.
Tuy nhiên, 2 “ông lớn” này là 2 nhà băng duy nhất bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020. Do đó, khó có thể đánh giá được tiến độ thực hiện kế hoạch của 2 nhà băng này như thế nào.
Đáng chú ý là nửa đầu năm nay, Techcombank (TCB) đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các nhà băng báo lãi lớn, ghi nhận mức 6.738 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Xét về tốc độ tăng trưởng, có đến 19/27 ngân hàng báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm tăng trưởng so với cùng kỳ. Trừ 3 nhà băng tăng dưới 10% là SHB (+1%), MBB (+5%) và ACB 9+5%), còn lại 16/19 ngân hàng tăng trưởng từ 15% trở lên.
Trong đó, VietABank đứng đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, cao gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, đạt gần 186 tỷ đồng. Xếp sau đó là PGBank (+75%) và MSB (+72%).
Các ngân hàng khác đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm trên 20% so với cùng kỳ như VPB (+52%), VIB (+29%), HDB (+32%), TPB (+26%), OCB (+67%), CTG (+40%)… Các ngân hàng này hầu hết đều có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng.
Tiến độ thực hiện kế hoạch năm của các ngân hàng sau nửa đầu năm?
Dù dịch Covid-19 đang bùng phát lần 2, nhưng đa số các ngân hàng đều đề ra kế hoạch lãi trước thuế tăng so với năm trước, qua nửa chặng đường 2020, có đến 14/27 ngân hàng đã thực hiện được hơn 50% kế hoạch năm.
Trong nửa đầu năm 2020, Saigonbank (SGB) đã thực hiện được 97% so với kế hoạch 130 tỷ đồng của cả năm, dù con số này giảm đến 28% so với kết quả năm 2019. Kế đến là MSB (68%), VPBank (64%), LPB (59%), PGBank (58%), MBB (57%)…
Có thể thấy, dịch Covid-19 tác động đến ngân hàng chủ yếu ở cả dư nợ cho vay (cá nhân, khách hàng vay vốn) và huy động vốn (khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gửi tiền).
Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành 6 tháng đầu năm nay chỉ ở mức 3,26%, bằng nửa năm trước và còn rất xa mục tiêu 14% cho cả năm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đa phần các ngân hàng vẫn có thu nhập lãi thuần tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước là nhờ các ngân hàng được áp dụng quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Cụ thể, các ngân hàng vẫn sẽ giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020. Và do đó, số lãi phải thu của số dư nợ được giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nợ nhóm 1) được thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng để bù đắp cho dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua.
Ngoài ra, bước đệm giúp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng còn đến từ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm có thể do các ngân hàng đang dùng nguồn trích lập từ các năm trước hoặc sẽ được phân bổ trong tương lai để duy trì lợi nhuận cho năm 2020.
Theo đánh giá của KBSV, với những dấu hiệu sớm phục hồi tăng trưởng tín dụng cộng với cơ hội mở rộng tín dụng khi NHNN đã điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng so với chỉ tiêu đầu năm cho các ngân hàng vào những tháng còn lại của năm nay, đặc biệt là trong quý 3 cũng là mùa cao điểm tăng trưởng cho vay, các ngân hàng có thể sẽ tăng tốc về lợi nhuận trong nửa cuối năm 2020.
Nếu vẫn duy trì được những yếu tố trên, ắt hẳn lợi nhuận của các ngân hàng vẫn sẽ tiến về phía trước theo đúng kế hoạch đã vạch ra dù có làn sóng Covid-19 thứ hai.
Theo Kinh Tế Chứng Khoán