Dự án do Công ty AMI AC Renewables làm chủ đầu tư, các nhà thầu kinh nghiệm trong nước và quốc tế thực hiện.
Đây là lễ khởi công đặc biệt, không chỉ bởi Cụm trang trại điện gió B&T là dự án điện gió trên bờ có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, mà còn bởi do điều kiện đặc thù, phòng dịch Covid-19, lễ khởi công được thực hiện trực tuyến.
Theo đó, lễ khởi công đồng thời kết nối trực tiếp với lãnh đạo Tập đoàn Ayala và các ngân hàng tài trợ vốn từ Thủ đô Manila (Philippines), cũng như hai điểm cầu tại công trường Dự án (gồm điểm cầu ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, và điểm cầu tại xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy).
Cụm trang trại điện gió B&T gồm Trang trại điện gió BT1, thuộc huyện Quảng Ninh, công suất 109,2MW (26 tua-bin), vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng và Trang trại điện gió BT2, thuộc huyện Lệ Thuỷ, công suất 100,8MW (24 tua-bin), vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.
Được biết, Cụm trang trại điện gió B&T là dự án thứ 3 trong kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của Công ty AMI AC Renewables tại Việt Nam.
Trước đó, Công ty đã hoàn thành và đưa vào vận hành 2 Nhà máy điện mặt trời, đó là AMI Khánh Hoà vào tháng 5/2019 với công suất 50 MWp, vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng tại huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hoà và Nhà máy nhiệt điện BMT Đắk Lắk vào tháng 4/2019 với công suất 30 MWp và vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, trong số vốn gần 9.000 tỷ đồng của Dự án, nhà đầu tư cam kết góp vốn tự có bằng 30% giá trị dự án và huy động; vốn vay bằng 70% giá trị dự án, với ngân hàng tài trợ chính là Ngân hàng Thương mại Rizal (RCBC) và RCBC Capital của Philippines.
Dự án sẽ do nhà đầu tư trực tiếp quản lý. Về phần thi công, Dự án chia làm 3 gói thầu chính, gồm: Gói thầu cung cấp, vận chuyến, lắp đặt và vận hành 50 tua-bin trong vòng 20 năm cho Nhà thầu VESTAS (Đan Mạch) thực hiện. Loại tua-bin sử dụng là V150-4.2 ( chiều cao cột 145m và công suất mỗi tua-bin là 4,2MW).
Gói thầu xây dựng văn phòng điều hành, trụ móng, đường nội bộ và đường dây trung thế 33KV do Công ty CP FECON (Việt Nam) thực hiện.
Gói thầu xây dựng 2 Trạm biến áp, mỗi trạm 1X125MVA và DZ 220KV do Công ty TNHH Công Nghệ Việt (Việt Nam) thực hiện, với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Theo tính toán, trong năm đầu xây dựng nhà máy, Dự án sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng tiền thuế từ VAT, nhập khẩu thiết bị...
Một năm sau, khi Cụm trang trại điện gió chính thức vận hành, hòa lưới điện quốc gia, với doanh thu dự kiến 1.000 tỷ đồng, hàng năm công ty sẽ nộp thuế VAT cho tỉnh Quảng Bình khoảng hơn 100 tỷ đồng. Đồng thời, với 45 km đường giao thông nội bộ nối các trụ tua-bin, hạ tầng giao thông công cộng liên xã - huyện sẽ được cải thiện và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ.
Bên cạnh đó, hệ thống 50 tua-bin gió với chiều cao 145m như những chiếc "cối xay gió" hiện đại, thân thiện với môi trường, trải dọc vùng ven biển Quảng Bình sẽ là điểm nhấn cho vùng biển này, được kỳ vọng là nền tảng để phát triển thêm nhiều mô hình, dự án du lịch, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nhiều di tích, danh thắng ở Quảng Bình, trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Theo Công Luận