Đây không phải là lần đầu tiên khi các hộ dân ở đây sử dụng hình thức chặn xe rác để gây áp lực cho chính quyền, biến Hà Nội thành “con tin”. Điều này đã đặt ra cho UBND TP. Hà Nội bài toán giải pháp mang tính lâu dài, trong đó có việc nâng cấp, xây mới các khu xử lý rác cho phù hợp với thực tiễn.
Ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, tại các tuyến đường Hai Bà Trưng, Xuân Thủy, Nguyễn Khang… đều có tình trạng rác thải tràn ngập khắp phố, ngõ, thậm chí là người dân còn đổ rác ngay cạnh một UBND phường ở quận Tây Hồ. Tất cả tuyến phố, ngõ ở khu vực trên địa bàn TP. Hà Nội hầu như đều bốc mùi hôi thối và người dân thấy băn khoăn không hiểu vì sao mà ô tô thu gom rác không thấy chuyển đi.
Dọc các đường Kim Ngưu, Tôn Đức Thắng, Kim Liên, Bách Khoa… đi vào các ngách còn thấy rác được vun thành từng đống nhỏ, rải rác khắp vỉa hè, gốc cây, cột điện, ven đường. Nhiều nhất là ở các khu tập thể, đầu các con ngõ - nơi tập trung phần lớn rác thải từ các khu dân cư. Công nhân công ty môi trường dường như “bất lực” trước tình trạng này, cho nên ở một số địa điểm các đống rác tạm thời được che bạt, nilon để đỡ bốc mùi xú uế.
22 giờ ngày 18/7, có mặt tại đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội), trước mắt chúng tôi là những công nhân môi trường vẫn đang dọn dẹp, thu gom rác để đưa lên xe chuyển đi xử lý. Anh Phạm Ngọc Thạch - một công nhân của Công ty môi trường đô thị Vĩnh Yên cho biết, từ tối 13/7, người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã chặn xe rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, chính vì vậy đã khiến rác thải tại các quận nội thành ùn ứ những ngày qua. Đỉnh điểm là vào đêm 15/7 vừa qua, số lượng rác tồn quá lớn khiến công nhân phải tăng ca đến gần 5h sáng hôm sau mới chuyển được đi.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, tổng khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày. Trong đó khối lượng phát sinh trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây khoảng 3.500 tấn/ngày và địa bàn 17 huyện ngoại thành Hà Nội khoảng 3.000 tấn/ngày cơ bản được vận chuyển để xử lý.
Tuy nhiên, rác thải của Hà Nội hiện nay được chôn lấp đến… 89% và hầu như chưa hề có các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao. Đây chính là nguồn cơn khiến hàng loạt vấn đề nhức nhối liên quan đến rác thải nảy sinh. Trong 6.500 tấn rác Hà Nội thải ra mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn phải xử lý tới 4.500 - 4.700 tấn nên chỉ cần bãi rác tạm dừng là cả Hà Nội lại ngập rác.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã chú trọng việc phân loại rác từ đầu nguồn và người dân phải trả tiền phí rác thải để nâng cao nhận thức mỗi khi có hành động xả rác bừa bãi. Ngoài ra các đơn vị thu gom, xử lý rác đều xã hội hóa và sử dụng các công nghệ đốt rác, tái chế, tái sử dụng, rất hạn chế việc chôn rác.
Nhưng tại Thủ đô Hà Nội từ năm 1997 đến nay, chôn lấp vẫn là cách xử lý rác thải chủ yếu. Theo tính toán cứ 1m3 rác thải được chôn xuống đất sẽ sinh ra 1,3m3 nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường, đất đai, nguồn nước và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đặc biệt trong khi quỹ đất của thành phố đang dần bó hẹp thì việc dành ra hàng chục héc-ta đất để chôn lấp rác là một điều cực kỳ lãng phí.
Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị (Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội) cho biết, một số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh đã đầy và đóng cửa. Hiện rác thải sinh hoạt được phân luồng tập trung chủ yếu về hai khu xử lý chính là Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) đã gây quá tải, quãng đường vận chuyển xa, làm tăng chi phí, tăng nguy cơ rơi vãi nước rác, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển.
Đó là chưa kể đến việc Hà Nội cũng thiếu các điểm trung chuyển rác, điểm chuyển tải thu gom rác. Thiếu các khu xử lý theo quy hoạch tại các địa phương để giảm tải xử lý cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung của thành phố.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến đòi hỏi việc phân loại rất kỹ càng để tối đa được năng suất xử lý và đảm bảo an toàn, tránh ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên tại Hà Nội và nhiều khu vực trên cả nước, khái niệm phân loại rác vẫn rất mới mẻ nên hầu hết không thực hiện. Rác thải sinh hoạt, rau củ quả hư hỏng, chai lọ có thể tái chế,... đều được tập trung lại một chỗ rồi đem đi chôn lấp.
Việc đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp, xây mới các Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa hợp lý. Hiện Hà Nội mới chỉ tập trung đầu tư các Khu xử lý tại vùng I (huyện Sóc Sơn) và vùng III (xã Xuân Sơn, huyện Ba Vì). Trong khi đó, phía Nam và Đông Nam thành phố vẫn chưa có khu xử lý, nhà máy nào hoạt động.
Hà Nội ngập rác trong những ngày bãi rác Nam Sơn gặp sự cố.
Đó là chưa kể đến một số dự án ưu tiên đầu tư đề xuất đến năm 2020 theo quy hoạch còn chưa được thực hiện đúng tiến độ. Một số nhà máy xử lý chất thải rắn sử dụng công nghệ cao hiện đại với quy mô lớn đến nay mới được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện các thủ tục.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, dân số tăng lên chóng mặt hằng năm, những bãi rác chôn lấp trên địa bàn Thủ đô rồi cũng sẽ đầy, khủng hoảng sẽ không chỉ xảy ra tại bãi rác Nam Sơn mà sẽ còn xảy ra tại những bãi rác khác. Không phải lúc nào mà là ngay bây giờ Hà Nội cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, coi rác thải là một khủng hoảng đô thị để giải quyết triệt để, tránh lặp lại những sự cố đáng tiếc.
Theo Công Luận