Nợ xấu có thể tăng mạnh trong thời gian tới |
Ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng
Trước nguy cơ nợ xấu có thể tăng mạnh vào thời gian tới, hàng loạt ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đặc biệt là trong quí II.
6 tháng đầu năm, Vietcombank đã trích hơn 4.000 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng gần 21% so với cùng kì 2019. Chi phí dự phòng tăng mạnh khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm 2,8% xuống gần 11.000 tỉ đồng.
Vietcombank tăng cường trích lập dự phòng trong bối cảnh nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng 10,8% trong hai quí vừa qua, lên hơn 6.400 đồng, đưa tỉ lệ nợ xấu tăng từ mức 0,79% vào cuối năm 2019 lên 0,83%. Ngoài ra, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của Vietcombank đến ngày 30/6 là hơn 7.700 tỉ đồng, gấp 3 lần con số cuối năm trước, tương ứng tăng 5.165 tỉ đồng so với hồi đầu năm.
Trong hai quí đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro của Sacombank ở mức 1.565 tỉ đồng, gấp gần 1,5 lần cùng kì. Riêng quí II, ngân hàng trích gần 1.150 tỉ đồng, tăng 86%. Chi phí dự phòng Sacombank tăng nhanh khi tỉ lệ nợ xấu đã vượt 2% vào cuối tháng 6 bất chấp việc ngân hàng liên tục thanh lí, bán đấu giá các khoản nợ khó đòi trong nửa đầu năm.
Tại Techcombank, ngân hàng này trích 1.211 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 6 tháng đầu năm, gấp hơn 5 lần cùng kì năm trước. Trong đó, riêng trong quí II, nhà băng này trích gần 440 tỉ đồng, gấp 6 lần con số của quí II/2019.
MB cũng ghi nhận chi phí dự phòng 3.310 tỉ đồng trong nửa đầu năm, tăng 40% so với cùng kì 2019 và là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế chỉ tăng trưởng 5%.
MB đẩy mạnh trích lập dự phòng khi qui mô nợ xấu của ngân hàng có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn. Cuối quí II, tổng nợ xấu nội bảng của MB ở mức 3.577 tỉ đồng, tăng 23,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 174% từ 618 tỉ đồng lên 1.695 tỉ đồng.
6 tháng đầu năm, ACB cũng trích 532 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 5,6 lần cùng kì năm trước. Trong đó, riêng quí II, mức trích lập là 440 tỉ đồng, gấp gần 4 lần.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng tăng mạnh chị phí rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm. Như Kienlongbank tăng hơn 3 lần, TPBank, VietBank, VietABank, NCB, OCB và BacA Bank tăng từ 45 – 90%.
Nguy cơ nợ xấu bùng phát, bào mòn lợi nhuận ngân hàng
Tăng trích lập dự phòng rủi ro có thể là bước đệm để các ngân hàng có khả năng "giảm sóc" trước các cú sốc mà các khoản nợ xấu có thể gây ra. Tuy nhiên, chi phí tăng cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận các ngân hàng sụt giảm.
Trong báo cáo cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả tại Viện Nghiên cứu & Đào tạo BIDV dự đoán nợ xấu nội bảng của các ngân hàng sẽ tăng nhanh, có thể đến 4% và nợ xấu gộp dự báo lên đến khoảng 6% cuối năm 2020 và còn cao trong năm 2021 khi Thông tư 01 hết hiệu lực và phải chuyển nhóm nợ xấu.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng ước tính lợi nhuận các ngân hàng sẽ giảm từ 30.000 - 34.000 tỉ đồng trong năm 2020, tương đương với mức giảm từ 20 - 25% so với kế hoạch ban đầu.
Các chuyên gia phân tích của FiinGroup cho rằng hiện nay, theo qui định của NHNN, dư nợ được cơ cấu lại vẫn được tính là nợ đạt tiêu chuẩn và nhà băng không chuyển nhóm nợ, cũng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ này. Chính vì vậy, khi chính sách thay đổi (hết hạn cơ cấu nợ), thì nợ xấu có nguy cơ ập đến, bào mòn lợi nhuận ngân hàng.
Cũng theo tính toán của FiinGroup, tác động của Covid-19 đối với chất lượng tín dụng cũng như tác động tới nợ xấu, lợi nhuận thường có độ trễ nhất định. Như khủng hoảng 2008, chi phí dự phòng có độ trễ khoảng 4 quí.
Chính vì vậy, chi phí dự phòng cho các khoản nợ tiềm ẩn được phẩn bổ vào các quí trong tương lai và tùy theo các thay đổi của chính sách hạch toán của ngân hàng.
Theo Kinh Tế Chứng Khoán