Ảnh minh họa. (Nguồn: anandtech.com) |
Nhà ở thông minh (smarthome) là một trong những xu hướng công nghệ lớn đáng chú ý nhất trong 5 năm qua. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và đặc biệt là thiết bị cầm tay, một căn nhà thông minh được điều khiển từ xa không còn là thú vui riêng của giới thượng lưu.
Smarthome đã trải qua một giai đoạn phát triển bùng nổ, được thúc đẩy phần lớn nhờ sự ra mắt của các trợ lý “ảo” như Alexa của Amazon và Google Assistant của Google cùng những thiết bị hỗ trợ như máy quay, loa thông minh và hệ thống cảm biến.
Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ này còn khá mới mẻ và còn những vấn đề mà nhiều người dùng chưa lường trước được khi họ quyết định mua những thiết bị và ứng dụng smarthome tiên tiến đầy hấp dẫn.
Những thiết bị "ngắn ngày"
Đáng buồn thay, tình huống "sản phẩm chết yểu" có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất kỳ sản phẩm nào.
Một kịch bản thường thấy là người dùng thích một thiết bị smarthome nào đó, rồi họ quyết định mua, cài đặt, sử dụng và cảm thấy rất hài lòng với sản phẩm này.
Nhưng đột nhiên, sản phẩm bị ngừng sản xuất, hoặc tệ hơn là phía công ty cung cấp ngừng hoạt động khiến thiết bị đang sử dụng bỗng nhiên không còn công dụng vì các dịch vụ phụ trợ bắt buộc của nó đã bị cắt.
Phần lớn các trường hợp trên xảy ra với các công ty khởi nghiệp. Một ví dụ đáng chú ý là Lighthome, một trong những máy quay an ninh gia dụng đầu tiên có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) nhận dạng khuôn mặt với giá bán khá hợp lý là 299 USD.
Lighthome đi kèm một hệ thống cảm biến đặt tại các cửa ra vào và cửa sổ. Chúng có thể quét và thiết lập mô hình 3D cho căn phòng được lắp đặt, giúp giám sát an ninh cho ngôi nhà, báo cho chủ nhà biết khi có ai đó xâm nhập, thậm chí hệ thống có thể phân biệt được những cảm biến bị kích hoạt do thú cưng hay do con người đi qua lại.
Nhưng công ty phát triển chiếc máy quay này đã phải đóng cửa năm 2019, chưa đầy một năm sau khi mở bán sản phẩm, với lý do không đạt được thành công thương mại như mong muốn. Những chiếc máy quay được trang bị công nghệ tiên tiến đó bất chợt trở thành đồ bỏ.
Ngay cả các công ty lớn có thâm niên đôi khi cũng ngừng sản xuất hoặc cập nhật một số dòng thiết bị của họ mà không thông báo hoặc báo rất hời hợt cho khách hàng.
Công ty sản xuất loa thông minh Sonos đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ người tiêu dùng hồi đầu năm nay khi thông báo ngừng cung cấp các bản cập nhật cho các dòng loa Zone Players, Connect và Connect:Amp. Dù những dòng loa này đều đã hơn 10 năm tuổi nhưng người dùng vẫn cảm thấy phía công ty đang sử dụng chiêu “lỗi thời có tính toán” để buộc các khách hàng trung thành phải nâng cấp thiết bị.
Đối với những hệ thống âm thanh truyền thống, người dùng chỉ cần bảo dưỡng đúng cách là có thể sử dụng chúng trong hàng chục năm với nhiều phương tiện khác nhau như TV, máy tính.
Ngược lại, hệ thống loa của Sonos kết nối thông qua giao thức mạng riêng của họ, giúp đảm bảo chất lượng đường truyền và tín hiệu ổn định hơn so với những dòng loa Bluetooth khác. Nhưng điểm yếu là chúng buộc phải chạy trên Internet và khó có thể liên kết với những sản phẩm đời mới hơn nếu không được cập nhật phần mềm.
Khi các nhà sản xuất không thực hiện cam kết
Nói cách khác, trong trường hợp này, nhiều khách hàng cảm thấy bị phía công ty sản xuất thiết bị lừa phỉnh.
Một câu chuyện được giới đam mê smarthome chú ý gần đây liên quan tới Wink Labs, một công ty khá nổi danh trong vài năm gần đây nhờ giải pháp kết nối và điều khiển các thiết bị smart home trên một giao diện hợp nhất.
Wink Labs đã thành công phần lớn nhờ mô hình dịch vụ miễn phí của họ. Tính tới tháng 5/2020, Wink Labs cho biết đã có hơn 4 triệu thiết bị được kết nối với mạng lưới của họ - một con số khá đáng kể.
Nhưng vào đầu tháng Năm, Wink Labs đã thông báo yêu cầu khách hàng trả phí dịch vụ hàng tháng 4,99 USD để có thể truy cập thiết bị của mình từ ứng dụng Wink thông qua điều khiển bằng giọng nói hoặc giao diện lập trình Wink API. Thời hạn để khách hàng bắt đầu đăng ký là trong vòng 1 tuần kể từ thông báo đưa ra.
Đương nhiên, khách hàng của Wink đã phản ứng dữ dội khi phải đối mặt với khả năng mất tất cả quyền kiểm soát và cài đặt thiết bị nếu họ không đăng ký. Sự giận dữ đối với thông báo của Wink Labs thậm chí đã dẫn đến một vụ kiện tập thể chống lại công ty này.
Đối với khách hàng, vấn đề không nằm ở việc họ phải trả phí đăng ký hàng tháng mà là do thông báo của Wink Labs quá bất ngờ và họ không có thời gian chuẩn bị. Sự thay đổi này cũng rất tréo ngoe khi cụm từ “không phải mất phí đăng ký hàng tháng” vẫn được in trên bao bì sản phẩm của Wink Labs.
Ông Rocco Ancona, một giám đốc công nghệ tại Thung lũng Silicon và cũng là một người dùng sản phẩm của Wink Labs lâu năm, đã đưa ra nhận xét rằng mô hình kinh doanh của công ty này không hề bền vững.
Wink Labs đã cố gắng đạt được thành công với việc bán một thiết bị phần cứng trả tiền trọn gói ở mức giá khá rẻ, hứa hẹn không tính phí dịch vụ hàng tháng, trong khi vẫn phải đảm bảo cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, bảo trì phần mềm và chi phí phát triển. Tuy nhiên, để duy trì lâu dài mô hình này là một việc không dễ dàng.
Việc công ty chỉ thông báo trước một tuần về gói đăng ký theo tháng, đe dọa đến hệ thống smarthome mà nhiều người đã mất hàng năm để phát triển, chắc chắn đã gây mất lòng tin với nhiều khách hàng.
Không ai có thể phủ nhận tiềm năng của smarthome trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, năng suất, hoạt động giao tiếp truyền thông và giải trí cho người dùng.
Tuy nhiên, người dùng nên chuẩn bị trước tâm lý rằng một sản phẩm công nghệ tiên tiến của ngày hôm nay rất có thể trở thành đồ bỏ chỉ sau một thời gian ngắn.
Đó là một thực tế khắc nghiệt đối với lĩnh vực smarthome non trẻ ở thời điểm hiện tại, khi đổi mới sáng tạo luôn đi kèm với rủi ro về một tương lai chưa hoàn toàn vững chắc cho các sản phẩm và thậm chí cho cả những công ty khởi nghiệp đầy hứa hẹn./.
Theo baoxaydung.com.vn