Con kiến triết học
Người sơ giao gọi anh là Đức Đam – theo cái tên trang cá nhân trên mạng xã hội. Anh không chối. Thật ra Đức Đam là tên cậu bé con trai đầu của anh. Anh em gần gũi hơn một chút thì biết, đều gọi Đức Đam là Hùng Kiến – theo đúng cái tên cúng cơm của anh và những gì mà anh đang theo đuổi.
Sinh ra ở Hạ Hòa, Phú Thọ, học hết phổ thông, Hùng Kiến đi lính nghĩa vụ như cái cách mà vô số thanh niên lớn lên ở nhiều vùng đất bán sơn địa lựa chọn. Hết hai năm quân ngũ, Hùng đi lang bạt, làm thuê đủ nghề chân tay. Một ngày, cuộc đời Hùng đột nhiên rẽ ngang khi anh thi đỗ và học khoa Điêu khắc, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tính đến giờ, Hùng mới chỉ vào nghề độ hơn hai năm.
Chọn kiến từ những ngày đi học ở trường Yết Kiêu. Bấy lâu nay cũng “chết” tên với kiến. Nhưng khi được hỏi “Tại sao?” thì Hùng ngớ người ra mà nói rằng: “Em cũng không hiểu sao lại chọn con kiến. Em thích hình ảnh con kiến”. Chùng lại một giây, Hùng bảo: “Em muốn mượn hình tượng con kiến để cường điệu hóa chúng, nói lên tinh thần, phẩm chất, tính tập thể của chúng. Đem so sánh với xã hội loài người. Và có tính ẩn dụ để người xem có thể tự liên tưởng hình ảnh con kiến với chính bản thân họ”.
Lần đầu tiên tôi được quan sát tổng thể một tác phẩm của Hùng Kiến là tại triển lãm “Côn trùng” diễn ra hồi tháng 9/2019 tại Hà Nội. “Côn trùng” là một triển lãm thú vị của nhiều tác giả. Tác phẩm của Hùng Kiến mang tên “Phận kiến” – một tổ hợp sắp đặt các con kiến bằng sắt được bài trí ở trung tâm của triển lãm. Những con kiến thợ khổng lồ. kiếm mồi mang về cho một con kiến chúa vĩ đại. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ với những nhà tổ chức và khách thăm quan bởi nó không chỉ cuốn hút người lớn mà còn gây ra sự thích thú thực sự từ các em nhỏ.
Hàng chục em nhỏ đến xem triển lãm không ngần ngại chui vào giữa tổ hợp sắp đặt “Phận kiến” mà đùa nghịch, cười nói. Caspar Addyman – một nhà tâm lý học của Đại học Luân Đôn (Anh) nói rằng, “thông qua tiếng cười của trẻ em, chúng ta có thể biết chính xác những gì đứa trẻ đang nghĩ về thế giới”.
Tác phẩm “Đợi”.
Quả đúng là như vậy. Sự hồn nhiên và tiếng cười của các em khiến cảm giác choáng ngợp ban đầu về kích thước to lớn tác phẩm trở nên an toàn và gần gũi. Còn tôi khi nhìn ngắm “Phận Kiến” thì nghĩ tới câu chuyện thiếu nhi “Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia” của nhà văn người Nga Yan Larri – câu chuyện kể về hành trình mà ở đó con người trở nên bé nhỏ và khám phá những thế giới của những sinh vật nhỏ bé xung quanh. Tôi nhớ mình đã nằm xuống sàn, nhìn ra xung quanh, nằm trong lòng “Phận Kiến”, và đúng như Hùng Kiến nói – Con người ta phải nhìn lại chính mình.
Những con kiến của Hùng, trong một chừng mực nào đó, đã phản ánh chính xác về cả hình thức lẫn ý niệm về một xã hội phức tạp. Một xã hội mà Con người tự coi bản thân là một dạng sinh vật bậc cao, cấp tiến, ở đỉnh của chóp tiến hóa, được quyền đi săn ngay cả khi không đói và thường xuyên can thiệp thô bạo vào nhau, vào thế giới cũng như đời sống của hàng triệu loài sinh vật khác. Loài người sẽ thế nào nếu tất cả các sinh vật khác bình đẳng với Con người – ít nhất là về kích thước và sự nhanh nhẹn của trí óc?
Kiến tha lâu đầy tổ
Hành trình sáng tác những con kiến của Hùng còn có một sự thú vị mà ít nghệ sĩ nào được trải nghiệm. Anh thường xuyên làm việc với sắt thép. Một ngày, một nhân viên cửa hàng sắt anh thường mua nguyên liệu mang đến một cuộn sắt 6 ly và khẩn khoản: “Em không có tiền. Anh cho em đổi cuộn sắt này lấy… một con kiến của anh được không?” – Tất nhiên, Hùng Kiến đã rất sung sướng được trao đổi đứa con tinh thần của mình để lấy cuộn sắt này mặc dù “giá trị của cuộn sắt chỉ chiếm một phần rất nhỏ giá trị của tác phẩm”.
Cuộc trao đổi thú vị
Những con kiến mang ý nghĩa nhân văn và triết học đã đi ra cuộc đời bình dị như vậy, thế nhưng sẽ rất khó hình dung bao giọt mồ hôi mà Hùng Kiến đã đổ xuống để làm ra chúng. Điều khiến Hùng Kiến trở nên khác lạ là ngoài những ý tưởng, sắp đặt, anh có một kỹ thuật, thủ pháp hàn sắt mẩu “cực công phu, chưa ai làm” (chữ của giám tuyển Bùi Quang Thắng-NV).
Hiện nay, Hùng Kiến đang bắt tay vào làm một tổ hợp mới, lấy ý tưởng từ những thân phận là nạn nhân của bệnh dịch. Con người, dù có đuổi theo sự vĩ đại đến đâu hay phù phiếm thế nào, thì rồi cũng phải đối diện với một sự phán xét cuối cùng – đó là sự hữu hạn của thân thể vật chất. Và ở lằn ranh cuối cùng của số phận, con người dù ở màu da nào, dù nghèo khó hay giàu có, dù ở đỉnh cao hay dưới vực sâu thì cũng đều có một kết cục chung là cát bụi.
“Em luôn muốn sáng tạo, dùng hình ảnh chúng lặp đi lặp lại thật nhiều với nhiều ngôn ngữ điêu khắc mới cũng như nghệ thuật sắp đặt mới, khai thác thật sâu để đưa ra công chúng những hình thức thể hiện mới”, Hùng Kiến nói, “Điều đáng tiếc nhất là, ở ta rất khó tìm được không gian đủ rộng lớn để trình bày những tác phẩm cỡ lớn. Một tác phẩm điêu khắc cỡ lớn trong một không gian đủ rộng sẽ gây ra những cám giác mạnh về mặt thị giác và khai mở nhiều hơn những tư duy của đời sống va đập vào tác phẩm. Nhưng em… kệ. Cứ làm đã. Mỗi ngày một chút. Biết đâu sẽ có một không gian đủ lớn sẽ tìm đến mình”.
“Muốn sáng tạo” là một chuyện, nhưng sáng tạo được một điều gì lại là chuyện khác. Sự lặp lại cũng dễ dẫn đến sự nhàm chán. Đây chính là một thách thức của bản thân Hùng Kiến nếu muốn có một hành trình dài trên con đường nghệ thuật.
Mặc dù vậy, trong thâm tâm, tôi có một dự cảm rằng chắc chắn sẽ có một không gian đủ lớn tìm đến Hùng Kiến để anh được thỏa chí với đàn kiến của mình. Bởi lẽ, Hùng Kiến có một lao động nghệ thuật nghiêm túc, không sao chép từ bất cứ ai. Điều này thật sự đáng quý, nhất là khi chúng ta đang sống trong một thế giới nghệ thuật đầy rẫy sự sao chép nhưng lại khoác một chiếc áo mang màu sáng tạo.
Theo Công Luận