Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, tôi nhận lời đi cùng bà Huệ…
Từng nghiên cứu về địa lý và lịch sử vùng này, lại được đọc các tài liệu ít nhiều nói về ngôi chùa Tây Thiên Trúc 500 năm tuổi và Di tích lịch sử nơi thành lập Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái 75 năm trước nên tôi háo hức tìm hiểu… Dãy Tam Đảo điệp trùng có điểm xuất phát từ Núi Hồng, xuôi dần và kết thúc khu vực Phổ Yên (Thái Nguyên), Sóc Sơn (Hà Nội). Ba ngọn núi cao nhất trong dẫy có chóp đỉnh 1.143m; sườn phía Tây thuộc Tuyên Quang, Vĩnh Phúc còn sườn Đông chủ yếu thuộc Thái Nguyên, dài ngót trăm cây số. Đất, rừng Tam Đảo nằm sâu trong nội địa, cùng với dãy Tản Viên (Ba Vì) cung cấp nguồn nước và sinh khí cho kinh thành Thăng Long và Đồng bằng châu thổ sông Hồng nên mấy nghìn năm qua luôn được bảo vệ. 500 năm trước, Nhà Mạc buộc phải rút chạy khỏi kinh thành Thăng Long lên vùng núi phía Bắc lập căn cứ đã dựa sườn Đông Tam Đảo với núi cao, vực sâu, rừng rậm; lập ấp, xây chùa, thiền viện đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân. Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Hoàng Hoa Thám tại Yên Thế (Bắc Giang) dài 30 năm, khi thất bại, Đề Thám cũng lấy Tam Đảo làm cứ. Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) cùng Lương Ngọc Quyến dấy binh chống Pháp đêm 31/8/1917, không trụ được sự phản công của Pháp đã lấy sườn Đông Tam Đảo kháng Pháp suốt 6 tháng, rồi Đội Cấn mới hy sinh tại Núi Pháo…
…Chúng tôi theo Quốc lộ 261 từ thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên) men chân Tam Đảo mà ngược lên. Đường còn hẹp nhưng dễ đi; làng quê yên bình, trù phú… Nắng thu như dát vàng trên những đồng lúa, nương chè. Tam Đảo sừng sững, xanh thẳm, màu xanh chủ đạo của rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo. Trong kháng chiến chống Pháp, đây là con đường nhộn nhịp, bộ đội, dân công, cán bộ từ mọi miền qua Đèo Nhe men theo dãy núi mà lên với ATK mãi trên Định Hóa, Sơn Dương, Chiêm Hóa…
Nơi thành lập trung đội giải phóng quân Phạm Hồng Thái
Qua trung tâm xã Quân Chu (Đại Từ) không xa, rẽ trái tới xóm Hòa Bình, bắt đầu leo sườn Đông Tam Đảo. Lên độ cao chừng 300m là tới Nhà bia di tích, địa điểm nơi thành lập Đội cứu quốc quân Phạm Hồng Thái.
Như chúng ta đều đã biết: Từ những năm 1940, phong trào cách mạng đã phát triển sang một giai đoạn mới. Ngày 15/9/1941, Trung đội Cứu quốc quân (CQQ) được thành lập tại rừng Khuôn Mánh, Tràng Xá, Võ Nhai và ngay sau đó đã lập nhiều chiến công và lớn mạnh nhanh chóng tại vùng Bắc Sơn - Võ Nhai. Ngày 22/12/1944, Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) được thành lập tại Nguyên Bình, Cao Bằng và nhanh chóng Nam tiến. Ngày 15/5/1945, tại đình làng Quặng xã Định Biên huyện Định Hóa, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tổ chức Lễ thành lập Việt Nam Giải phóng quân (VNGPQ) trên cơ sở thống nhất lực lượng CQQ và VNTTGPQ. Còn Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái hoạt động vùng Tam Đảo.
Năm 1940, gia đình ông Thạch Sơn (Nguyễn Huy Minh) dưới chân núi lên đây lập ấp, mở lò đốt than, địa danh Lán Than ra đời từ đó. Đến năm 1943 thì ông Minh lập Đội tự vệ Tam Đảo. Tháng 8/1944, Đội đã có hơn chục chiến sỹ, có vũ trang và hoạt động trên một vùng rộng lớn thuộc Đại Từ, Phổ Yên và vùng sườn Tây Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc ngày nay).
Theo chỉ đạo của Trung ương, Chỉ huy Đội Cứu quân Hoàng Hoa Thám Chu Văn Tấn đã về Tam Đảo kiểm tra hoạt động và công nhận Đội tự vệ Tam Đảo, Quân Chu là tổ chức cách mạng. Tháng 4/1945, đồng chí Chu Văn Tấn, Nhị Quý (Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đầu tiên) và Lê Trung Đình (Chủ tịch Chính quyền cách mạng Thái Nguyên sau này) về đây, sáp nhập thêm các đội tự vệ nhỏ lẻ thành lập Đội du kích Cao Sơn, sau đổi thành Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái, đồng chí Huy Minh làm trung đội trưởng và Vũ Tuân làm chính trị viên…
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, trung đội đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cơ sở Việt Minh ở Đại Từ, Phổ Yên, Đồng Hỷ (Thái Nguyên), Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Yên); chiến đấu chống Nhật, Pháp, trừ gian, diệt phỉ bảo vệ nhân dân; giữ vững đường dây liên lạc từ miền xuôi lên Căn cứ địa Tân Trào, Định Hóa; tham gia đuổi Nhật giành chính quyền tại tỉnh lỵ Thái Nguyên ngày 20/8/1945…
Ông Vũ Xuân Thuận, người dưới xóm Đền năm nay vào tuổi 85, sau khi kể về Đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái đã tâm sự: Những năm ấy nơi này hoang vu rậm rạp, chỉ một ít người dân tộc Trại, Tày sinh sống men sườn núi chạy dài cả trăm cây số. Các chiến sỹ chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công, rồi sau đó lại đi kháng chiến… Mãi năm 2006, tỉnh, huyện mới về dựng bia di tích lịch sử này…
Tây Thiên Trúc - dấu ấn thời gian
Võ tướng Mạc Đăng Dung giành ngôi từ Lê Cung Hoàng (Hậu Lê) tháng 6 năm 1527, nhưng chỉ tồn tại 50 năm (1527-1677), trong đó nhiều năm lập cứ ở các tỉnh miền núi, ngoài xây thành, đắp lũy, thời Mạc là giai đoạn phát triển giáo dục, giao thương, văn hoa, dựng nhiều ngôi chùa, chủ đạo trong tu hành là Thiền phái Trúc Lâm.
Bia di tích Trung đội giải phóng quân Phạm Hồng Thái.
Ông Vũ Xuân Thuận - Chủ Nhang tại Chùa Tây Thiên Trúc (Hướng về đất Phật Ấn Độ và Thiền phái Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông) này đã 40 năm có lẻ.
Ông bảo: Căn cứ Lán Than của Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái nương náu chủ yếu tại ngôi chùa cổ. Ông nghe nói Tây Thiên Trúc có từ thời Nhà Mạc, 40 năm trước, thấy ngôi chùa nằm giữa rừng này xuống cấp, có nguy cơ hoang phế mới lên tự nguyện làm Chủ Nhang bảo vệ và tu bổ. Bây giờ ông cao tuổi, giao việc ấy cho vợ chồng con trai là Vũ Hải Nam và Bàn Thị Hạnh trông nom, hương khói… Người dân và phật tử lên thăm di tích lịch sử thì cũng là vãn cảnh chùa và ngược lại… Hiểu giá trị của di tích lịch sử cách mạng, biết ngôi chùa báu nằm trong cụm chùa Tam Đảo, từ năm 2014, được sự cung thỉnh của các cấp chính quyền, đoàn thể và phật tử, Hòa thượng Thích Kiến Nguyệt đã đề nghị và được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ lập dự án tôn tạo chùa, xây dựng Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc…
Nghỉ hưu từ doanh nghiệp Chè Quân Chu, xuất gia lên núi được giao Chi Khách (Như Tổ chức - hành chính), Thầy Thích Thiên Phúc Kể: Bắt đầu xây dựng cách nay 4 năm, riêng năm 2019, Thiền viện tổ chức 3 lớp, có 1.000 người tham gia. Đạo lý nhà Phật, giáo lý Thiền phái Trúc lâm thật gần gũi đời sống…
Còn Đại đức Thích Huệ Chương cũng cho rằng: Với điều kiện hiện tại, Thiền viện có thể đáp ứng nhu cầu tu tập lớn hơn của nhân dân. Và chính việc xây dựng thiền viện tại nơi này đã trực tiếp giúp cho việc bảo vệ rừng và hệ sinh thái đa dạng của Tam Đảo tốt hơn.
Thiền viện Tây thiên Trúc.
Chúng tôi lên Thiền viên Trúc lâm Tây trúc có may mắn được gặp Hòa thượng Thích Kiến Nguyệt từ Thiền viện Tây Thiên bên sườn Tây sang. Sinh ra từ Vĩnh Long sông nước, nhưng mấy chục năm qua hòa thượng bỏ sức nghiên cứu về rừng, xây dựng nhiều thiền viện trên rừng. Hòa thượng hiểu về Tây Thiên Trúc của Quân Chu Đại Từ từ lịch sử, địa lý đến văn hóa, tâm linh và mặc dù tuổi đã cao, sống cần kiệm Hòa thượng vẫn mơ được thấy nơi bồng lai này là chốn đi về của muôn người. Từ trên sân Thiền viện, sau lưng là vách núi cao, đỉnh có cột phát sóng Tam Đảo, dưới chân núi là làng mạc Ký Phú, Văn Yên Mỹ Yên, xa nữa là vùng Hồ Núi Cốc, Hòa thượng khẽ khàng:
- Xưa du kích vượt núi qua lại vận động cách mạng, thậm chí còn sang đánh đồn Nhật bên Tam Đảo giải phóng tù nhân. Bây giờ ai đó có điều kiện khoan một đường hầm xuyên núi, nối hai sườn Đông - Tây…?
Rồi chợt hỏi:
- Giáo lý nào của Thiền phái Trúc lâm mà nhà báo tâm đắc?
Tôi thưa Hòa thượng:
- Phật hoàng Trần Nhân Tông có bài kệ dạy rằng: Cư trần, lạc đạo thả tùy duyên/Cư túc sang hề, khốn tắc miên/Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/Đoái cảnh vô tâm mạc vấn thiền. (Sống ở trên đời mỗi người một duyên/Sống giàu, sống nghèo theo tự thức/Vàng bạc, tiền của ngay trong lòng ta, nhà ta, không phải tìm/Nhưng thấy hoạn nạn mà không động lòng trắc ẩn thì đừng hỏi Phật làm gì).
Theo Công Luận