Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chỉ tính riêng từ năm 1959 đến 1975, hàng vạn cán bộ Công an ưu tú đã chi viện vào chiến trường miền Nam. Trên mặt trận thầm lặng nhưng rất cam go đã có hàng ngàn cán bộ Công an ngã xuống hoặc để lại một phần máu xương nơi chiến trường. Có những cán bộ chiến sĩ CAND đã bị địch bắt, giam cầm, tra khảo tàn độc ở các "địa ngục trần gian", nhưng vẫn quyết giữ vững khí tiết của người cán bộ cách mạng. Với tình yêu quê hương, đất nước tha thiết và lòng căm thù giặc sâu sắc, họ đã chiến đấu kiên cường bất khuất và vượt qua mọi khó khăn gian khổ, ác liệt. Những lá thư của họ gửi về từ chiến trường và thư của hậu phương gửi đến là sức mạnh tinh thần, là nguồn động viên to lớn, sâu đậm tình cảm và tình thương yêu của bố mẹ, vợ con, người yêu, bạn bè, đồng nghiệp.
Sau đại thắng mùa xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhưng có biết bao chiến sĩ Công an hẹn mà không về, các anh đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do. Những lá thư thời chiến đã trở thành kỷ vật vô giá về một thời hoa lửa, góp phần khẳng định truyền thống anh hùng, vẻ vang của lực lượng CAND cho thế hệ hôm nay và mai sau. "Những lá thư thời chiến CAND" là tựa đề cuốn sách giới thiệu các bức thư của các tác giả là những cán bộ chiến sĩ (CBCS) CAND đã kinh qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước từ chiến trường gửi về. Sách do Đại tá Công an Đặng Vương Hưng sưu tầm tổng hợp và Nhà xuất bản CAND ấn hành.
Đọc những lá thư in trong cuốn "Những lá thư thời chiến CAND", biết bao cảm xúc dâng trào, vừa khâm phục, vừa thấy tự hào về những tâm tư, tình cảm, lòng kiên cường, quả cảm của thế hệ CBCS CAND đã nén lại niềm thương nỗi nhớ nơi hậu phương để làm tròn nghĩa vụ của một người chiến sĩ công an. Giữa mưa bom bão đạn chỉ có những lá thư là sợi dây tình cảm gắn kết hậu phương và tiền tuyến, là động lực để cổ vũ tinh thần cho mỗi người lính công an ngoài mặt trận thêm quyết tâm để chiến thắng kẻ thù.
Trong 9 lá thư của Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Lai (hồi ấy là cán bộ Ban An ninh Khu Trị - Thiên - Huế) gửi gia đình từ năm 1964 đến 1973, chất chứa bao nỗi niềm, sự quyết tâm, trách nhiệm của người cán bộ công an. Nỗi nhớ nhung người mẹ ở quê nhà, nỗi day dứt lương tâm vì chưa làm tròn chữ hiếu với bậc sinh thành khiến người đọc không khỏi cảm động. Trong lá thư Thiếu tướng Lai viết vào tháng 8/1964 gửi mẹ: "Con chỉ lo và thương nhớ mẹ nhiều lắm, 17 tuổi đầu đi thoát ly hoạt động cách mạng, từ đó gần hai chục năm ròng con xa mẹ và ít khi được gần mẹ, con cảm thấy chưa có gì để đền đáp công ơn của mẹ đối với con, con biết lắm và chắc mẹ cũng thương và nhớ con nhiều lắm…".
Bao năm biền biệt xa quê hương, gia đình những khắc khoải nhớ thương đều được Thiếu tướng Lai gửi gắm trang thư về cho vợ, thời điểm tháng 1/1964: "Vì nhiệm vụ cách mạng cao cả, anh tạm gác tình riêng đi giải phóng miền Nam, đồng thời cũng để bảo vệ hạnh phúc gia đình, quê hương chúng ta ở miền Bắc được vui hưởng hòa bình... Anh đi để lại cho em một gánh nặng, em thay anh chăm sóc mẹ già và các con". Sự nhớ thương da diết nơi hậu phương về người mẹ già và vợ hiền ngày đêm tần tảo cùng những đứa con thơ, Thiếu tướng Lai viết trong thư ngày 20/6/1966: "Xa nhau càng thấy thương và nhớ nhau em nhỉ? Anh nhớ mẹ, nhớ các con, các bác và cháu lắm. Các con chắc chúng lớn lắm rồi nhỉ, có dịp về gặp ngoài đường có lẽ chẳng nhận ra đâu, nhất là Thắng lúc anh đi nhỏ quá. Trong những lúc công tác bận rộn thì chỉ lo suy nghĩ, bóp trán để đối phó với kẻ địch, nhưng cũng có những lúc rảnh rang, những lúc ấy sao mà nhớ nhà thế, nhớ em, nhớ các con và họ hàng cô bác đến thế. Giá như có cánh thì anh bay về thăm một lúc". Những dòng thư cho thấy, mặc dù trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt, nhưng người cán bộ công an vẫn luôn dành trọn tình cảm cho gia đình với niềm tin yêu mãnh liệt.
Trích thư của Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đào Trọng Hùng gửi gia đình, ngày 14/4/1975.
Những dòng thư duy nhất của Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đào Trọng Hùng gửi gia đình ngày 14/4/1975 cho thấy, chiến tranh ác liệt, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, không biết có ngày trở lại nên trước ngày đi vào nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt, ngay lúc đó, trong họ chỉ đau đáu nỗi nhớ về nơi "chôn nhau cắt rốn" và những người thân yêu. Dù thời gian thật gấp gáp, nhưng họ vẫn tranh thủ để viết, để gửi gắm những nỗi niềm, lời dặn dò đang trăn trở trong lòng tới gia đình, càng khiến cho người đọc cảm nhận rõ được sự chia ly rất cận kề được thể hiện trong một đoạn của lá thư: "Suốt đời con không quên công ơn của bố mẹ đã sinh ra và nuôi con thành người cho đến hôm nay con trở thành người của Đảng. Khi con đi rồi, con chỉ mong rằng bố mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe. Bố mẹ đã yếu đi nhiều rồi, nhất là mẹ đừng tham công tiếc việc nhiều quá ảnh hưởng đến sức khỏe, với tuổi mẹ đã cao. Con có điều ân hận rằng cho đến hôm nay con chưa làm được gì giúp đỡ được bố mẹ… Nhờ bố mẹ gửi lời chào tất cả mọi người họ hàng, làng xóm (nếu con không được về)". Với các em, Thiếu tướng dặn dò: "Nếu anh của các em không gặp được các em thì coi như những dòng chữ này sẽ là những dòng chữ cuối cùng của anh dành cho các em trước khi anh lên đường. Anh rất muốn được gặp các em lần cuối để rồi anh ra đi được trọn vẹn nhưng các em hiểu đó là nhiệm vụ, anh không làm khác được. Các em phải chịu khó học hành và giúp đỡ mẹ, đừng để mẹ phải khổ nhiều nữa…".
Những dòng thư của Trung tá Hoàng Thị Minh Hồng, nguyên cán bộ Đội Tham mưu tổng hợp Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) gửi ba mẹ khi đã trở thành nữ trinh sát ở tuổi 15, nếm trải biết bao gian khổ, khó khăn, thiếu thốn nơi núi rừng Trường Sơn, vẫn hồn nhiên như không hề có bom rơi, đạn nổ, sự tàn khốc của chiến tranh. Cô trinh sát vẫn vô tư gửi gắm qua trang thư viết ngày 20/8/1971: "Ở trong này mỗi khi nhận được thư là mừng ghê lắm, như đồng hạn gặp mưa rào ấy, ba mẹ ạ. Chẳng những riêng mình mừng mà mọi người khác cũng mừng lây. Các anh chị ở đây xem thư của ba mẹ viết cho con, ai cũng nói là thư tình cảm, xem mà xúc động. Một lá thư từ hậu phương xa xôi gửi tới, nó như một niềm vui chung, một nguồn động viên tất cả mọi người vì nó là sự gặp gỡ trong những ngày xa cách, nó cũng tượng trưng cho sự nối liền tiền tuyến với hậu phương, nó bù đắp cho sự khao khát, thiếu thốn tình cảm của những năm dài dằng dặc nơi núi rừng này đấy, ba mẹ ạ...". Nơi chiến trường ác liệt, những buồn vui trong cuộc sống đan xen thì khi ấy, hình ảnh của mẹ cha được người cán bộ công an nghĩ đến đầu tiên để vượt qua những chông gai phía trước như trong thư Trung tá Hoàng Thị Minh Hồng viết: "Ba mẹ ơi, tuy vậy trong cuộc sống không chỉ có vui mà có những lúc buồn nữa ba mẹ ạ. Những lúc buồn là hình ảnh ba mẹ lại hiện ra đậm nét thôi thúc con vượt qua tất cả những điều làm mình buồn và suy nghĩ…".
Trích thư của Trung tá Hoàng Thị Minh Hồng gửi gia đình, ngày 2/3/1969.
Còn rất nhiều, rất nhiều những lá thư của CBCS Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được in trong cuốn "Những lá thư thời chiến CAND" mà trong khuôn khổ bài viết chúng tôi không thể kể hết; trong số đó có những thư của các liệt sĩ đã hy sinh chỉ trước thời khắc đất nước thống nhất vài giờ. Kỷ vật duy nhất của các liệt sĩ để lại cho gia đình người thân là những lá thư thời chiến được viết bằng tình cảm cất lên từ chính trái tim dung dị của người chiến sĩ. Chính vì lẽ đó, những lá thư đã trở thành kỷ vật, di vật chân thật nhất về con người và bối cảnh một thời hào hùng. Đọc những lá thư thời chiến như được tái hiện lại một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình mãnh liệt, lòng tin tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ kính yêu, ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Họ đã không quản ngại hy sinh, không tiếc tuổi thanh xuân, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Theo Báo Dân Sinh