4 Tổng Giám đốc có ảnh hưởng lớn nhất trong giới công nghệ Mỹ - Jeff Bezos, Sundar Pichai, Tim Cook và Mark Zuckerberg - đã điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 29/7 để trả lời chất vấn về các vấn đề độc quyền.

Có lẽ giới truyền thông và công chúng Mỹ trông đợi phần tranh luận của tỉ phú Jeff Bezos nhất vì ông chưa bao giờ điều trần trước Quốc hội. 

Sau khi tránh mọi câu hỏi trong hai giờ đầu tiên của buổi điều trần, Jeff Bezos đã đối mặt những câu hỏi gai góc về các chính sách giá, mua lại và sử dụng dữ liệu từ bên bán thứ ba.

Báo The Wall Street Journal từng đưa tin nhân viên của Amazon đã thu thập dữ liệu bán hàng từ những người bán độc lập trên sàn thương mại điện tử của Amazon để phát triển những sản phẩm riêng của tập đoàn.

Tỉ phú Jeff Bezos phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 29/7

Amazon có chính sách cấm sử dụng dữ liệu của người bán độc lập, song nghị sĩ Pramila Jayapal - một thành viên của Tiểu ban Tư pháp Thượng viện Mỹ về Chống độc quyền, muốn tập trung vào quá trình thực thi chính sách của tập đoàn.

Người giàu nhất thế giới nói rằng tập đoàn của ông có chính sách cấm sử dụng dữ liệu của bên bán thứ ba. Song ông thừa nhận: "Tôi không thể đảm bảo rằng chính sách đó chưa bao giờ bị vi phạm".

Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề ấy kĩ lưỡng. Việc ấy không dễ như các nghị sĩ nghĩ, vì nhiều nguồn cung cấp thông tin trong bài báo của Wall Street Journal là nguồn tin ẩn danh".

Nhiều lần trong buổi điều trần, Jeff Bezos nói ông không thể trả lời câu hỏi, hoặc không thể nhớ sự việc mà các nghị sĩ đề cập tới.

Tỉ phú Jeff Bezos. Ảnh: AP

Khi bài báo của The Wall Street Journal chưa xuất hiện, Amazon từng khẳng định với các nhà lập pháp rằng tập đoàn không truy cập dữ liệu bán hàng của bên bán thứ ba để phát triển sản phẩm mới của họ. 

"Mục tiêu của chúng tôi là giúp những người bán thành công vì chúng tôi phụ thuộc vào họ", Nate Sutton, một nhà quản lí cấp cao của Amazon từng nói như vậy trong phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 7 năm ngoái. 

Nate nhấn mạnh rằng người bán có nhiều nền tảng để bán hàng nên họ có thể bỏ Amazon nếu phát hiện hành vi lợi dụng dữ liệu.

"Chúng tôi không sử dụng dữ liệu bán hàng của từng người bán khi ra quyết định về những sản phẩm, dịch vụ mà chúng tôi sẽ phát triển cho Amazon", Nate nhắc lại.

Bà Jayapal trích dẫn một số tài liệu và cuộc phỏng vấn trong quá trình điều tra của tiểu ban rồi nói: "Một số nhân viên của Amazon thừa nhận hiện tượng vi phạm qui định cấm sử dụng dữ liệu bán hàng của người bán thường xuyên bị vi phạm".

Amazon cho phép thu thập dữ liệu tổng thể, chứ không phải dữ liệu của từng người bán. Mặc dù vậy, bà Jayapal lập luận rằng dữ liệu tổng thể cũng vẫn giúp Amazon sàng lọc thông tin chi tiết đối với từng danh mục sản phẩm.

Vì ảnh hưởng của Amazon đối với thương mại điện tử quá lớn, nhiều nhà hoạt động chống độc quyền lo ngại tập đoàn của Bezos có thể lạm dụng ảnh hưởng ấy để tung ra những sản phẩm nhằm cạnh tranh với những người bán trên nền tảng của họ. Trong một bài viết năm 2017, Lina Khan, một học giả chống độc quyền, nhận định: "Về thực tế, Amazon đang kiểm soát cơ sở hạ tầng của nền kinh tế số".


Theo Kinh Tế Chứng Khoán