Ghi nhận thực tế 6 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản chịu tác động của dịch Covid-19 khiến giao dịch tại các phân khúc bị chững lại, nhiều dự án phải tạm dừng triển khai, doanh nghiệp chịu nhiều áp lực khi nguồn cung bất động sản sụt giảm. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn giữ mức giá bán cao, không giảm, do nguồn cung khan hiếm.
Nhiều dự án vẫn giữ mức giá bán cao do nguồn cung khan hiếm. |
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, quý II/2020, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại chỉ đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Tuy nhiên, giá bán bất động sản so với năm 2019 đã tăng từ 4 - 10% tùy từng phân khúc.
Thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao. Thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo các chuyên gia, thông thường, khi thị trường “đóng băng”, các chủ đầu tư sẽ mạnh tay giảm giá để kích cầu. Nhưng trái lại, nhiều dự án vẫn giữ mức giá bán cao do nguồn cung khan hiếm trầm trọng.
Dù dịch Covid-19 nhưng giá không xuống do khan hàng nhất là nhà giá rẻ và trung bình vì đây là nhu cầu ở thực. Người mua cũng có tâm lý nghe ngóng khi dịch bệnh nhưng nhu cầu cần mua nhà để ở là thật, nên thị trường bất động sản đang tồn tại một thực tế “vô lý” là dịch bệnh, giao dịch giảm nhưng giá không giảm, do nguồn cung thiếu.
Anh Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng Hợp Thành cho rằng, giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng không nhiều. Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm (cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh) buộc chủ đầu tư phải giảm giá để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.
“Trước đây nhà chung cư dưới 15 triệu đồng/m2 là nhà thu nhập thấp, nhà bình dân, nhưng bây giờ mức giá đã chạm ngưỡng 22 - 25 triệu đồng/m2. Giá nhà ở cao cấp trước đây 25 - 30 triệu đồng/m2 thì nay giá là 40 - 50 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào của dự án bất động sản như tiền sử dụng đất, chi phí vật liệu xây dựng, nhân công cao nên giá bán nhà không thể hạ được”, anh Huy cho biết.
Mặt khác, do nguồn cung khan hiếm, giá đất tăng khiến doanh nghiệp khó chấp nhận giảm giá, đặc biệt là đối với những dự án đã mở bán trước đó. Bởi quan điểm của các chủ đầu tư là họ phải để những nhà đầu tư cũ có biên lợi nhuận. Do đó chủ đầu tư thường có xu hướng tăng giá theo lộ trình chứ không giảm. Chủ đầu tư sẽ chọn cách hỗ trợ khách hàng bằng các hình thức tặng quà, đưa ra các phương án thanh toán linh hoạt hơn…
Cùng quan điểm trên, một số doanh nghiệp bất động sản cho biết, nếu xét về loại hình bất động sản chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch Covid -19 phải kể đến nhà phố và mặt bằng nhà phố cho thuê. Phân khúc vẫn sống tốt trong mùa dịch chính là căn hộ. Rất nhiều dự án căn hộ chào bán trước dịch đều bán rất tốt, thậm chí còn cháy hàng. Ngay trong tâm dịch, việc tìm kiếm sản phẩm chung cư rao bán tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng là rất khó do thị trường không có sản phẩm mới. Hiện nay nhu cầu sang nhượng căn hộ thứ cấp vẫn diễn ra rất bình thường và ghi nhận chung là không hề có việc hạ giá.
Các chuyên gia nhận định, trong thời gian dịch bệnh, giao dịch bất động sản vẫn ổn định, nếu so với thời điểm trước dịch thì đương nhiên tỷ lệ chốt khách có giảm sút nhưng nhu cầu tìm hiểu dự án vẫn rất cao. Chính vì vậy, sau khi thị trường ổn định lại thì giao dịch bất động sản sẽ sớm trở lại bình thường, cung - cầu gặp nhau, thị trường sẽ phục hồi nhanh, đặc biệt ở những phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực. Giá bán căn hộ có thể sẽ đi ngang trong các quý tới đây và tăng trở lại vào dịp cuối năm.
Theo Báo Xây Dựng