Đóng cửa hoặc bán tháo
Dịch bệnh Covid-19 đang khiến ngành du lịch tiếp tục gần như bị đóng băng, cùng với đó các các cơ sở lưu trú, các đơn đặt phòng liên tục bị hủy…Nhiều khách sạn đã phải tính đến các phương án tạm đóng cửa hoặc rao bán. Theo ông Đăng Vinh Hiển, một chủ khách sạn 3 sao tại Hà Nội cho biết, ngay cả khi không có khách, nhưng các chi phí cứng như: lương nhân viên, chi phí bảo trì, duy tu, các khoản tiền vận hành….vẫn phải trả. Cho nên, tạm thời một số khách sạn sẽ phải đóng cửa một thời gian, nhưng điều này cũng sẽ khiến khách sạn sẽ xuống cấp, cho nên nhiều chủ khách sạn chọn phương án bán.
Báo cáo của Sở du lịch Hà Nội cho thấy, hiện tại dịch Covid-19 lần thứ 2 này đang tiếp tục tác động mạnh đến thị trường khách sạn. Nhiều nơi rơi vào tình trạng khủng hoảng trống phòng, mặc dù giá phòng, dịch vụ có nơi giảm tới 70%.
Chỉ cần gõ tìm kiếm từ khóa “bán khách sạn” thì google sẽ trả lại hàng triệu thông tin về rao bán khách sạn trên cả nước. Như tại Hà Nội, hiện nay nhiều khách sạn đang rơi vào tình trạng ế ẩm, nhiều cơ sở phải đóng cửa hoặc giảm giá kịch sản. Các thông tin rao bán khách sạn chủ yếu tập trung tại các khách sạn nhỏ lẻ 2-3 sao tại các phố Hàng Gai, Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), Đặng Thai Mai, Trúc Bạch , Quảng An (Tây Hồ)...là những nơi trước đây kinh doanh khách sạn "hái ra tiền" cho khách Tây thuê.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, số liệu của Sở Du lịch TP HCM gần đây cho thấy trong lĩnh vực cơ sở lưu trú du lịch, các đơn đặt phòng trong tháng 7 và tháng 8 tại khách sạn phần lớn bị hủy; các hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng quy mô 30 khách trở lên cũng bị hủy… Công suất phòng hiện giảm tới 91,5% so với cùng kỳ, số lượng lao động giảm 61% so với cùng kỳ.
Đã có hàng loạt khách sạn 2-3 sao ở các quận 1, 5, Tân Bình đang được rao bán, giá từ vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng. Tại quận 1 và 3, nhiều khách sạn trên đường Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung, Trương Định, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Thủ Khoa Huân, Thi Sách… được rao bán trên khắp các trang bất động sản, môi giới nhà đất. Đơn cử, một khách sạn 4 sao ở mặt tiền đường Thi Sách (quận 1) có diện tích 500 m2, 13 lầu, 100 phòng, nằm ở vị trí đẹp khu vực Đồng Khởi - Thi Sách - Đông Du - Lê Thánh Tôn, vừa được rao bán giá 670 tỉ đồng.
Thậm chí, trong làn sóng rao bán khách sạn cũng có sự tham gia của cả…ngân hàng nhằm thu hồi nợ. Như vừa qua Sacombank đang rao bán đấu giá hàng loạt lô bất động sản ở khu vực TP HCM, Bình Dương, Hải Phòng… để xử lý, thu hồi nợ, trong số này có khách sạn 2 sao tại TP. HCM. Hay như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa rao bán đấu giá tài sản nguyên lô gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại quận 7, TP HCM và toàn bộ nội thất, công cụ, trang thiết bị, máy móc thuộc tòa nhà này….
Nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư đang đi “săn”
Báo cáo vừa công bố của CBRE cho thấy, lĩnh vực kinh doanh khách sạn gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu trên mỗi phòng trong nửa đầu năm tại thị trường Hà Nội và TP.HCM lần lượt giảm khoảng 56% và 64% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính con số này toàn thị trường thì mức giảm giảm khoảng 55%. Tình hình hoạt động của các khách sạn trong quý III sẽ không có nhiều biến chuyển so với quý II.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thị trường du lịch và khách sạn gần như rơi vào trạng thái "tê liệt" ngủ đông trong suốt nửa đầu năm 2020. Dịch bệnh bùng phát khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh khách sạn vì thế gặp nhiều khó khăn hơn. Theo thống kê, doanh thu trên mỗi phòng trong nửa đầu năm tại thị trường Hà Nội và TPHCM lần lượt giảm khoảng 56% và 64% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu trên mỗi phòng cho cả Việt Nam trong cùng kỳ ghi nhận mức giảm tương tự khoảng 55%.
Còn ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc của CBRE Hotels Việt Nam cho biết, hiện nay có nhiều tập đoàn,quỹ đầu tư đang săn đón những tài sản đang bị áp lực nợ với mức định giá thấp. Tuy nhiên, thị trường khách sạn hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như thế này ở phân khúc 4 – 5 sao, mà chủ yếu tập trung ở những phân khúc thấp hơn. Nhiều cơ hội cũng mở ra khi những chủ sở hữu các chuỗi khách sạn cũng đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả.
Tuy nhiên, CBRE cho rằng, trong dài hạn triển vọng phát triển của ngành khách sạn ở Việt Nam vẫn rất khả quan nhờ vào cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi và định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước.
Theo Công Luận