Nguyễn Thị Mỹ Lộc, quê mãi ngoài sông Gianh, Hà Văn Lưỡng thì quê Lệ Thủy cũng Quảng Bình, 45 năm trước ra Đại học Tổng hợp Hà Nội học văn, rồi về Tổng hợp Huế cũng dạy văn bảo với bạn bè cùng khóa: Vô Huế, lăng tẩm, thành quách của triều Nguyễn chín chúa mười ba vua đã đành cũng hay nhưng trải nghiệm Truông Nhà Hồ, Phá Tam Giang cũng nên lắm chứ…

"Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Thương anh em cũng muốn vô

Sợ Truông Nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang”

Trải nghiệm trên phá Tam Giang.

Câu thơ trên thì nhiều người thuộc. Nhưng Truông Nhà Hồ ở đâu thì cũng vẫn là câu hỏi, vẫn cần khám phá. Đồng bào miền Trung ai cũng biết từ truông là chỉ vùng đất hoang dại, vắng vẻ, khó băng qua. Truông Nhà Hồ thì rõ ràng có địa chỉ hẳn hoi. Nhiều nhà nghiên cứu đã để tâm tìm hiểu và kết lại: Nơi đó, nằm sát đường cái quan, cách thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) khoảng 1km, cách Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải chừng 5km là khu rừng rậm rạp, um tùm, dây leo chằng chịt, có thời kỳ lính Nhà Hồ trấn giữ, sau là nơi ẩn náu của thảo khấu (cướp bóc). Từ thế kỷ 17, Chúa Nguyễn mở mang Đàng Trong, người đi bộ qua đây ngày một đông, bọn cướp ẩn náu khu vực Truông Nhà Hồ đã gây ra nỗi khiếp đảm cho khách bộ hành… Kể rằng có quan Nội Tán triều Nguyễn tên Nguyễn Khoa Đăng đã có công dẹp cướp, lập làng, xây ấp để lại câu nói "Truông Nhà Hồ, Nội Tán dẹp yên” là thế. Bây giờ Truông Nhà Hồ là một vạt rừng nguyên sinh chủ yếu cây dẻ, trâm bầu khoảng 10ha thuộc thôn Tứ Chính, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) và vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt…

Trải nghiệm trên phá Tam Giang.

Còn Phá Tam Giang? Đầm phà là vùng nước lợ, cuối sông đầu biển. Phá Tam Giang rộng khoảng 52 cây số vuông, trải dài 24km, từ cửa sông Ô Lâu thuộc 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tâm Phá Tam Giang có tọa độ 16 độ 37 phút vĩ Bắc, chiếm 11% diện tích đầm phá ven biển cả nước. Với độ sâu chỉ 2-4m, Phá Tam Giang cung cấp hàng nghìn tấn hải sản và thu hút hàng vạn lao động nuôi trồng thủy hải sản và làm du lịch… Xưa đầm phá hoang vu, xa vắng, là nơi ẩn náu cướp cạn, hải tặc; rồi vượt qua phá luôn sóng cả, gió to, nỗi sợ hãi của dân lành yếu đuối là vậy…               

****

Chúng tôi trải nghiệm đầm Chuồn thuộc huyện Phú Vang, một địa chỉ thuận lợi trong cả vùng đầm phá bát ngát, mênh mông gắn liền với cửa của 3 dòng sông (Tam Giang). Có nhiều cách đi, chúng tôi chọn theo Quốc lộ 49, qua Cầu Hai, chỉ 12km đã thấy mêng mang, tít tắp đầm Chuồn và sự trù phú của những làng quê ven đầm phá…

Đêm về trên Nhà Chồ ở đầm Chuồn

Người ta cắm cọc, quây lưới để nuôi thêm tôm cá. Vậy là trong đầm có thủy sản nuôi và hải sản tự nhiên. Để làm nhà, thợ đóng hàng trăm cọc tre xuống đầm rồi dựng nhà sinh hoạt chung gọi là Nhà Chồ; làm nhà hàng nổi, phục vụ khách du lịch bằng nhiều sản phẩm dịch vụ khác nhau.

Anh Nguyễn Văn Thành - một nông dân sinh ra và lớn lên nơi đầm phá, làm thêm nghề chở khách bằng xuồng máy trải nghiệm trên phá cho biết:

- Mùa thu hoạch hải sản của đầm phá từ tháng tư đến tháng bảy hằng năm. Để tạ ơn đất trời, mây nước đầm phá cho dân nơi đây nguồn hải sản vô tận, từ xa xưa, dân sống quanh đầm tổ chức Hội rước tổ Làng Chuồn kéo dài trong 3 ngày,15,16,17 tháng bảy… Những ngày hội người dân thực hiện nhiều nghi lễ và sinh hoạt văn hóa tâm linh bản sắc vùng.

Cá nâu,đặc sản nổi tiếng của đầm Chuồn.

Bánh khoai cá kình.

Huế mùa thu nắng như dát vàng, dát bạc trên mặt nước, bầu trời xanh thăm thẳm; như có ai đẩy thuyền khi đoàn chúng tôi trải nghiệm trên đầm. Tức cảnh sinh tình, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đọc thơ tình Nguyễn Bính, nhà báo Trung Hiền ngâm nga: Đầm Chuồn phong cảnh như tranh/Ai đi nhớ mãi ân tình thân thương/Về rồi còn mãi vấn vương/Thịnh tình một nét quê hương dâng trào…Đêm về trên Nhà Chồ giữa mênh mang trời nước,chúng tôi được thưởng thức những hải sản quý vừa được đánh từ đầm: Cá ong, cá dìa, cá nâu, cá mú, rồi bánh khoai cá kình, bánh tét Làng Chuồn…

Những câu thơ, điệu Chầu Văn được cất lên giữa không gian mênh mông, chỉ có tình cảm ngày gặp mặt bè bạn, đông môn thân yêu, trời cao vời vợi và mặt nước mênh mông cùng rì rào ngọn gió… Anh Lưỡng, anh Dũng, chị Đào, chị Thanh, chị Lộc, rời Hà Nội về Huế trở thành các nhà Huế học đã cho bạn bè, đồng môn một trải nghiệm nhớ mãi.

Theo Công Luận