Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Phó cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Vũ Thị Kim Hoa cho biết, đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em. Trung bình, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em. Trong đó có đặt mục tiêu giảm tình trạng đuối nước trẻ em, tăng tỷ lệ trẻ em biết bơi và biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương và các tổ chức quốc tế triển khai tích cực các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, các chiến dịch truyền thông trên toàn quốc đã nâng cao nhận thức của xã hội đối với việc phòng, chống đuối nước trẻ em. Các nguy cơ gây đuối nước trẻ em tại gia đình, trường học, cộng đồng được giảm bớt.
Tháng 6/2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cùng Quỹ Từ thiện Bloomberg ký biên bản ghi nhớ triển khai chương trình 5 năm (2018-2022) về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, triển khai dự án "Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam", với sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ.
Chương trình đã triển khai 3 cấu phần chính là: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam; hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng; dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6-15 tuổi.
Trong giai đoạn 2018 - 2019, chương trình được triển khai tại 103 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh có tình hình tử vong do đuối nước trẻ em cao nhất cả nước: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng.
Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực sau 2 năm triển khai ban đầu. Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai cho mạng lưới gồm: Các bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức phi chính phủ trong phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam; các tài liệu hướng dẫn đã được chuẩn hóa trước khi triển khai can thiệp; 8 bể bơi mới và 35 bể bơi huy động của địa phương được lắp đặt để tổ chức dạy bơi cho trẻ em. Tính riêng năm 2019, hơn 8.000 trẻ được dạy bơi an toàn; hơn 17.000 trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, vượt 13% kế hoạch đặt ra… Tỷ lệ biết bơi chung tại 8 tỉnh chương trình hiện nay là 25,5%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ trung bình 14,7% vào thời điểm trước can thiệp của chương trình. Hơn 90% phụ huynh và người chăm sóc trẻ hài lòng với các lớp dạy bơi an toàn được cung cấp bởi chương trình.
Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông đã được thực hiện hiệu quả và đa dạng theo đặc thù của từng địa phương. Kết quả, 78,1% số cha mẹ, người chăm sóc trẻ được tiếp cận thông tin về chương trình, trong khi đó tỉ lệ này tại các địa bàn không triển khai can thiệp chỉ hơn 20%; nhận thức của phụ huynh về nguy cơ của đuối nước trẻ em tăng từ 63 lên 72%...
Các tổ chức đã hỗ trợ 8 tỉnh của Việt Nam tiếp cận và thực hiện phù hợp 10 khuyến nghị về giải pháp, can thiệp phòng, chống đuối nước của Tổ chức Y tế thế giới. Với các nỗ lực đã được triển khai, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước, tuy nhiên vẫn ở mức cao và vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ. Thách thức đối với Việt Nam trong công tác phòng, chống đuối nước là: Nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội, trẻ em về nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em.
"Việt Nam đã tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hóa kỹ thuật dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em trẻ em tại các vùng dự án và thí điểm trên toàn quốc: Trẻ có thể bơi 25m và nổi 90 giây khi rơi xuống nước. Tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng trông giữ giám sát trẻ em", bà Hoa cho biết.
Để triển khai dạy bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ: GD&ĐT, VH-TT&DL cùng Bloomberg Philanthropies, Global Heath Advocacy Incubator, World Health Organization xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật dạy bơi an toàn đã được Tổng cục Thể dục thể thao phê duyệt.
Giáo viên thể dục của các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, hướng dẫn viên tại Trung tâm thể dục thể thao của 7 địa phương tham gia lớp tập huấn gồm: Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Nội. Sau khi tham gia lớp tập huấn và trở về địa phương các giáo viên sẽ cập nhật kiến thức cho các đồng nghiệp và trực tiếp giảng dạy cho học sinh.
Theo Báo Dân Sinh