Trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như là một nhân tố năng động trong nền kinh tế toàn cầu, với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển của đất nước. Những sự chuyển đổi này không chỉ là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, mà còn là chiến lược quan trọng cho sự phát triển bền vững nền kinh tế.

Sự giao thoa giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (chuyển đổi "kép") tạo nên sức mạnh tổng hợp hỗ trợ lợi ích của cả hai. Chuyển đổi số không chỉ là phương tiện hiện đại hóa nền kinh tế, mà còn cung cấp các công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong khi các hoạt động xanh có thể thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp số bền vững.

Doanh nghiệp tích cực tham gia chuyển đổi kép nhưng cần thêm bệ đỡ

Tại Hội thảo thường niên Phát triển bền vững với chủ đề "Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 12/11, giới chuyên gia và doanh nghiệp có chung quan điểm rằng, chuyển đổi "kép" đang là xu hướng tất yếu, mang đến cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng và tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực tự thân, doanh nghiệp vẫn cần thêm "bệ đỡ" từ các chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư và hợp tác từ các bên liên quan để có thể vượt qua thách thức và đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi "kép".

Bà Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Chiến lược về Phát triển Bền vững Tập đoàn Phúc Khang cho hay, vào năm 2009, khi nền kinh tế bắt đầu ngấm đòn khủng hoảng với sự rơi rụng của hàng loạt doanh nghiệp địa ốc, Phúc Khang đã được thành lập. Vào thời điểm ấy, chỉ có các dự án căn hộ được cho là còn có "cửa sáng" nhất, nhưng Phúc Khang lại chọn phân khúc sản phẩm thấp tầng vùng ven để khởi đầu, với quan điểm 80% người Việt xuất thân từ nông thôn.

"Việc Phúc Khang đầu tư vào phân khúc sản phẩm thấp tầng thời điểm đó đã bị nhiều người cho là bước đi liều lĩnh bởi đây là phân khúc không ai làm và nếu không biết cách làm sẽ khó thành công, nhưng với chúng tôi, chỉ có một hướng đi riêng mới giúp Phúc Khang trụ vững trong phân khúc được cho là xương xẩu đó", bà Lê Thị Hồng Na nói.


Bà Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Chiến lược về Phát triển Bền vững Tập đoàn Phúc Khang.

Năm 2015 được xem là cột mốc đáng nhớ - giai đoạn đột phá của Phúc Khang với chặng đường dấn thân mang tên ''Tri thức hóa sản phẩm''. Phúc Khang nỗ lực để tạo ra các sản phẩm khó hơn, yêu cầu trình độ kỹ thuật, thiết kế, công nghệ cao hơn và dòng sản phẩm chung cư cao tầng theo tiêu chuẩn công trình xanh LEED (Hoa Kỳ), LOTUS (Việt Nam), điển hình như công trình Diamond Lotus Riverside đã ra đời.

Tọa lạc tại đường Lê Quang Kim (quận 8, TP.HCM), Diamond Lotus Riverside nổi bật như một "biểu tượng xanh giữa lòng thành phố". Công trình không chỉ được đầu tư xây dựng theo hai tiêu chuẩn LEED của Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC) và LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), mà còn được đăng ký cấp độ Vàng (Gold) cho cả hai tiêu chuẩn.

Từ nửa đầu năm 2023, Phuc Khang Corporation đã và đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững thông qua việc tích hợp các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) vào hoạt động kinh doanh.

Theo đó, Phúc Khang tiên phong áp dụng kinh tế tuần hoàn, đồng thời lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường thông qua chuỗi chương trình "Green Study" dành cho nhân viên và cộng đồng. Bên cạnh đó, Phuc Khang chủ động hợp tác với các cơ quan, tổ chức để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm về công trình xanh, kiến tạo nên những sản phẩm bất động sản chất lượng, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Phúc Khang cũng không ngừng nâng cao năng lực quản trị bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số với dự án E-Office, đầu tư vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý và hoàn thiện hệ thống chính sách, quy trình nội bộ.

"Hành trình phát triển bền vững của Phúc Khang là sự chuyển dịch từ các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) sang khung chiến lược ESG toàn diện. Những nỗ lực trong việc thực hiện CSR đã tạo nền tảng vững chắc cho việc áp dụng ESG, giúp Phúc Khang phát triển bền vững và thích ứng với xu thế thời đại", bà Lê Thị Hồng Na cho hay.


Toàn cảnh sự kiện.

Còn theo bà Lê Minh Trang, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu bán lẻ Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ), các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với một số khó khăn nhất định trên con đường chuyển đổi "kép".

Một trong những thách thức lớn nhất là việc tiếp cận công nghệ. Mặc dù mong muốn áp dụng các giải pháp bền vững, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa có điều kiện tiếp cận những công nghệ tiên tiến cần thiết. Điều này vô tình khiến họ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển từ các đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, gánh nặng chi phí cũng là một rào cản đáng kể. Việc chuyển đổi sang các phương pháp sản xuất bền vững thường đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu không nhỏ, từ đó làm tăng chi phí hoạt động, gây áp lực lên doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc xác định đúng trọng tâm cũng là một bài toán nan giải. Do hạn chế về nguồn lực và chuyên môn, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhận diện các vấn đề cốt lõi, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của các giải pháp bền vững.

Nhìn chung, để chuyển đổi kép thành công, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ từ các bên liên quan trong việc tiếp cận công nghệ, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực.

Trong khi đó, ông Alexander Evchenko, CEO Công ty TNHH 1C Việt Nam cho rằng: "Để chuyển đổi "kép" thực sự thành công, cần có sự chung tay góp sức từ nhiều phía: doanh nghiệp, Nhà nước và các tổ chức xã hội. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, tạo dựng môi trường thuận lợi với những chính sách hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp phát triển và nhanh chóng chuyển mình. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt cơ hội, mạnh dạn đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại mới".

Các nhiệm vụ trọng tâm khi thực hiện chuyển đổi "kép"

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.

Trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng chuyển đổi "kép", ông cho biết, trong giai đoạn 2017 - 2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh.

Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%). Phân tích từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chuyển đổi số chính là động lực quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh và xu hướng chuyển đổi "kép".


Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi "kép", ông Lê Việt Anh nhấn mạnh những nội dung quan trọng.

Thứ nhất, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, việc ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là nền tảng tiên quyết để triển khai thực hiện thành công chuyển đổi "kép".

Thứ hai, đích đến của chuyển đổi "kép" đều do con người và vì con người, lấy con người là trung tâm. Do vậy, quá trình chuyển đổi này cần được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, bình đẳng và cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này.

Thứ ba, việc triển khai chuyển đổi kép cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan, trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Thứ tư, việc triển khai chuyển đổi kép luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin.

Thứ năm, muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh vì công nghệ số giúp tăng tốc thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, song, bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng.

"Các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi này", ông Lê Việt Anh nhấn mạnh./.

Theo An Vũ/Reatimes