Brynjar Karl Bigisson, một cậu bé 10 tuổi mắc chứng bệnh tự kỷ đến từ thành phố Reykjavik, Iceland đam mê xếp hình lego từ nhỏ. Ngoài ra, cậu còn hứng thú với con tàu Titanic qua những câu chuyện của ông nội.
Brynjar đã lên kế hoạch thực hiện một ý tưởng không ai ngờ tới. Cậu dành 11 tháng lắp 56.000 miếng lego để tạo nên mô hình tàu Titanic dài đến 7m. Đây cũng là con tàu Titanic bằng lego lớn nhất thế giới.
Con tàu Titanic được lắp ghép từ 56.000 miếng lego.
Chính ý tưởng này đã thay đổi cuộc đời cậu.
Hiện tại, Brynjar đã là một cậu thanh niên 17 tuổi. Trong một cuộc phỏng vấn, cậu chia sẻ: “Lego là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Chứng tự kỷ đã khiến tôi trở thành một cậu bé có kỹ năng giao tiếp kém, tôi luôn tự cô lập, chỉ thích chơi một mình. Những viên gạch lego là những người bạn thân nhất của tôi”.
Khi lắp ghép lego, Brynjar luôn phải động não, phát huy trí tưởng tượng, cậu không còn cảm thấy cô độc nữa.
Brynjar dành 11 tháng để hoàn thành kiệt tác của mình.
Năm lên 9 tuổi, Brynjar đã đến thăm LEGOLAND ở Đan Mạch. Cậu thực sự say mê với quy mô và cấu trúc xây dựng của chúng. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho cậu chế tạo con tàu Titanic bằng lego.
“Tôi thực sự bị ám ảnh bởi tàu Titanic. Ông đã giúp tôi vẽ bản thiết kế tàu trước khi bắt tay vào xếp hình. Mẹ tôi đã giúp tôi thiết lập một trang gây quỹ cộng đồng, vì vậy tôi đã có thể tăng số tiền tôi cần để mua lego. Ngoài ra, tôi đã được cung cấp không gian trong một nhà kho để xây dựng mô hình. Sau mỗi giờ học, tôi dành 3 – 4 tiếng để lắp ghép. Con tàu được hoàn thành sau 11 tháng” – Brynjar tâm sự.
Đây cũng là con tàu Titanic lớn nhất thế giới được làm từ Lego.
Bây giờ, Brynjar dành hết mùa hè của mình để làm công việc lái phà đưa đón mọi người từ thị trấn đến thăm hòn đảo Viðey, gần nơi sống. Việc lái phà giúp Brynjar cảm thấy như mình có kết nối với con tàu Titanic mà mình yêu thích.
Brynjar giờ đã trưởng thành, vượt qua chứng tự kỷ.
Brynjar cho biết anh cảm thấy thực sự biết ơn vì câu chuyện của anh là nguồn cảm hứng cho những đứa trẻ và cha mẹ khác đang trải qua chẩn đoán tự kỷ và sợ hãi về tương lai.
“Ngày còn 5 tuổi, tôi phải vật lộn với chứng tự kỷ. Tôi thực sự không có bạn bè vì tôi không giỏi giao tiếp. Hôm nay, tôi có những người bạn tuyệt vời và đã phát triển kỹ năng giao tiếp của mình.
Tôi học được rằng nếu bạn được phép phát triển kỹ năng của mình thông qua sở thích, bạn có thể trở nên mạnh mẽ hơn. Thông điệp này rất quan trọng giúp tôi vượt qua chứng tự kỷ” – Brynjar nói.
Theo Gia Đình Việt Nam