Nâng cao giá trị
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý (SHTT, CDĐL) đang được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, phát triển và sử dụng như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đồng thời đây còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Tại Việt Nam, với hàng nghìn sản phẩm nông sản đặc sản có tiềm năng xuất khẩu, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, CDĐL không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, mà quan trọng hơn giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước nhận diện được nguồn gốc xuất xứ, nhận diện được thương hiệu Việt Nam.
Như tại Sơn La, được biết đến là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam. Thế nhưng vẫn ít người dân biết đến thương hiệu cà phê của Sơn La. Do đó, để giúp người dân nhận diện được một sản phẩm đặc sản lâu đời, năm 2017, Sơn La đã đăng ký CDĐL cho sản phẩm cà phê Sơn La. Đến nay, sản phẩm cà phê Sơn La đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như Nhật Bản, Đài Loan… Ông Đặng Duy Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Sơn La cho rằng, việc đăng ký CDĐL cho sản phẩm không chỉ giúp cà phê Sơn La được biết đến rộng rãi hơn, mà còn giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Cùng với cây cà phê, nhãn Sơn La cũng bắt đầu được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến những năm gần đây. Nhất là năm nay, nhãn Sơn La vừa được mùa, vừa được giá khi đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các thị trường xuất khẩu và được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hiện nay có 21 sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La đã được Cục SHTT (Bộ Khoa học và công nghệ - KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 3 CDĐL, 15 sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, và 3 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Riêng đối với sản phẩm chè Shan Tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại nước ngoài. Sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tỉnh Sơn La sẽ có thêm 2 sản phẩm “chè Shan Tuyết Mộc Châu” và “xoài tròn Yên Châu” được bảo hộ tại thị trường Châu Âu…
Có thể dễ dàng nhìn thấy lợi ích mang lại khi sản phẩm được đăng ký bảo hộ CDĐL tại Việt Nam. Như cà phê, nhãn Sơn La sau khi có CDĐL và bảo hộ thương hiệu đã nâng cao được giá trị sản phẩm và có đầu ra ổn định. Hay Chả mực Hạ Long, sau khi có CDĐL đã tăng giá 15% (17 USD/kg), trong khi những sản phẩm cùng chủng loại có giá chỉ bằng 53% (tức 9 USD/kg). Tương tự, Cam Cao Phong Hòa Bình, sau khi có CDĐL thì giá bán đã tăng 30%...
Đăng ký bảo hộ SHTT, CDĐL mang lợi ích đã rõ. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp, tổ chức, địa phương nào cũng nhận thức được điều này, khiến cho công tác đăng ký bảo hộ quyền SHTT, CDĐL phải đối mặt với nhiều thách thức. Rồi thậm chí, khi đã đăng ký bảo hộ được CDĐL, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết làm thế nào để bảo vệ và phát huy được hiệu quả của việc bảo hộ này.
Còn nhiều thách thức
Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng, danh tiếng, có tính chất đặc thù và có giá trị kinh tế gắn với các địa danh cụ thể. Nhưng do thủ tục đăng ký còn phức tạp, cho nên chỉ có rất ít sản phẩm được đăng ký bảo hộ CDĐL (chưa đến 10%).
Viện trưởng Viện Khoa học SHTT (Bộ KH&CN) Tạ Quang Minh cho rằng, đăng ký bảo hộ CDĐL ở Việt Nam thời gian qua đã được quan tâm, nhưng bảo hộ CDĐL tại nước ngoài thì vẫn còn hạn chế mà việc đăng ký nước ngoài rất quan trọng để bảo vệ thị trường của Việt Nam. Do đó, thời gian tới cần hỗ trợ, hướng dẫn và giúp các địa phương có sản phẩm đặc sản tiến hành thủ tục đăng ký SHTT không chỉ ở trong nước mà cả các nước là thị trường tiềm năng.
Các chuyên gia cảnh báo, không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, CDĐL ở những thị trường có tiềm năng xuất khẩu, doanh nghiệp, người sản xuất sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả xấu. Điển hình là nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam có thể bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm đoạt, đăng ký trước. Đơn cử như vụ mất thương hiệu của cà phê Buôn Ma Thuột là một minh chứng. Tháng 6/2011, nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (được bảo hộ CDĐL ở Việt Nam từ năm 2005) đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu trên lãnh thổ Trung Quốc. Việt Nam phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi kiện, “đòi” lại tên “Buôn Ma Thuột”. Rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra với nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre… Bên cạnh đó, một nguy cơ nữa cũng có thể xảy ra là hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam có thể bị quy kết là hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp nước khác khi không bảo hộ quyền SHTT, CDĐL.
Theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và công nghệ), những rủi ro này đều xuất phát từ việc các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp Việt đã không nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, và điều này cần sớm phải thay đổi. Ngay khi đã đăng ký bảo hộ quyền SHTT, CDĐL, nhưng việc bảo vệ và phát huy được hiệu quả cũng là vấn đề cần được quan tâm. Đơn cử như “tiêu Quảng Trị”, dù đã được CDĐL, nhưng giá cả vẫn “èo uột”. So với với hạt tiêu Kampot của Campuchia, đang được bán với giá từ 15-28 USD/kg, thì mức giá 2,3- 2,4 USD/kg của tiêu Quảng Trị là điều phải suy nghĩ. Trong khi đó, hiện nay có khoảng hơn 10.000 CDĐL được bảo hộ trên thế giới, với giá trị giao dịch thương mại hằng năm ước đạt 50 tỷ USD. Như vậy có thể thấy, để khẳng định chất lượng, thương hiệu và quảng bá được những sản phẩm đặc sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế, thì khâu quan trọng trước hết vẫn là đăng ký bảo hộ CDĐL.
Khi CDĐL đã và đang phát triển nhanh và trở thành một công cụ quan trọng đối với thương mại, giữ gìn bí quyết truyền thống, cũng như phát triển chuỗi giá trị, quảng bá sản phẩm và phát triển kinh tế - xã hội cho các quốc gia. Lúc này việc thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHTT, CDĐL còn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống từ Nhà nước, đến chính quyền địa phương, tất cả các hội nghề nghiệp, các nhà sản xuất, chế biến và các bên liên quan.
Theo Công Luận