Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản trên sàn niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 với các thông số ảm đạm đến từ doanh thu và lợi nhuận.
Về doanh thu sau 6 tháng, chỉ CMX, KHS và BLF ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ trong đó CMX tăng mạnh nhất 39,2%. Riêng SJ1 và FMC có doanh thu đi ngang so với nửa đầu năm 2019.
Còn lại có tới 11/16 doanh nghiệp thủy sản có doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ trong đó NGC kết thúc 6 tháng chỉ có 8,7 tỷ đồng doanh thu (giảm mạnh so với con số 93,2 tỷ đồng cùng kỳ) tương ứng giảm gần 91%. Tiếp đó, AVF cũng ghi nhận mức doanh thu chỉ đạt 12,7 tỷ đồng - giảm gần 73% so với cùng kỳ 2019.
Tương tự, các "ông lớn" trong ngành thủy sản như VHC, IDI và ANV lần lượt công bố mức doanh thu giảm 14%, 21% và 14% so với cùng kỳ.
Doanh thu sụt giảm kéo theo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 của các doanh nghiệp thủy sản cũng giảm sâu thậm chí thua lỗ. Đáng chú ý nhất là khoản lỗ của TS4 khi kinh doanh dưới giá vốn khiến TS4 lỗ liền cả 2 quý khiến. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lỗ 23,3 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ, Việt An (AVF) tiếp tục báo lỗ 58 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 trong khi mục tiêu kinh doanh năm nay của công ty là hòa vốn.
Khá khẩm hơn, Thủy sản Mekong (AAM) chỉ lãi vỏn vẹn 71 triệu đồng trong 6 tháng - cách rất xa mục tiêu lợi nhuận trước thuế 8 tỷ đồng năm nay.
Dù vẫn có lãi song với doanh nghiệp đầu ngành là Vĩnh Hoàn (VHC), lãi 6 tháng chỉ đạt 367,6 tỷ đồng - giảm phân nửa cùng kỳ do giá bán giảm và ảnh hưởng bởi COVID-19.
Tiếp đó Nam Việt (Navico) cũng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 và giá bán sản phẩm giảm dẫn đến 6 tháng lợi nhuận sau thuế giảm gần 79% xuống mức 75,5 tỷ đồng.
Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) cho biết, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu cá tra fille đông lạnh khi thị trường bị gián đoạn, giá xuất khẩu giảm mạnh. Lợi nhuận 6 tháng giảm đến 82% so với cùng kỳ, còn hơn 40 tỷ đồng.
Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) ghi nhận lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng sau nửa năm kinh doanh, giảm 95% so với con số gần 113 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Điểm sáng hiếm hoi của ngành thuộc về Thực phẩm Sao Ta (FMC) khi doanh nghiệp này báo lãi ròng tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 52 tỷ đồng.
Rõ ràng, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng đã được các doanh nghiệp thủy sản tính đến trong kế hoạch kinh doanh năm 2020. Tuy nhiên, từ thực tế, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh là lớn hơn so với các dự liệu bởi với kết quả đạt được sau nửa năm kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đang chỉ hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 ở mức rất thấp.
Theo Kinh Tế Chứng Khoán