Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp và khó lường, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một loạt tồn tại, hạn chế, khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Thể chế và pháp luật hiện hành vẫn còn những bất cập, vướng mắc, gây trở ngại cho quá trình phát triển. Việc huy động nguồn lực vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Cầu nội địa và sức mua ở một số lĩnh vực và địa phương phục hồi chậm, các biện pháp kích cầu tiêu dùng chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, với 77,6 nghìn tỷ đồng vốn kế hoạch vẫn chưa được phân bổ chi tiết.

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và nhân lực phục vụ các ngành mới nổi, động lực tăng trưởng mới, còn hạn chế. Sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mới chỉ đạt được những kết quả ban đầu, chưa tạo ra những chuyển biến rõ rệt.

Đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2025 có thể xảy ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Báo Chính phủ.

Thủ tướng cũng lưu ý rằng việc phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vẫn là một thách thức lớn. Theo kịch bản đặt ra, cần nỗ lực để đạt tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 9,5% trở lên, khu vực dịch vụ 8,1% trở lên, khu vực nông nghiệp 3,9% trở lên. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cần tăng 12% trở lên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 12% trở lên, và thặng dư thương mại đạt khoảng 30 tỷ USD…

Về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, ngoài nguyên nhân khách quan như tình hình thế giới tiếp tục khó khăn, thì nguyên nhân chủ quan là vướng mác thể chế, phản ứng chính sách có lúc, có nơi chưa kịp thời; sự tự lực, tự cường của một số cơ quan, đơn vị chưa đồng đều, có nơi chưa tích cực; năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, thực hiện chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chỉ đạo của cấp trên, còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực còn vướng và chồng chéo.

Thủ tướng đã nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn, đó là việc nắm chắc tình hình thực tiễn để đưa ra những phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết, thống nhất trong hành động, thực hiện phương châm "nói là làm", siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thủ tướng cũng khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ với tinh thần "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi". Để hiện thực hóa quyết tâm đó, Thủ tướng yêu cầu toàn hệ thống phải thông suốt về tư tưởng, nâng cao quyết tâm, nỗ lực hành động quyết liệt, tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm từng công việc, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo rõ ràng về việc phân công nhiệm vụ, phải đảm bảo "5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".

Liên quan đến vấn đề nhà ở cho người dân, tính đến cuối tháng 2 vừa qua, gần 115,5 căn nhà tạm bợ, dột nát đã được xóa bỏ, mang lại nơi ở an toàn và ổn định cho nhiều gia đình.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác này, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì thúc đẩy chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, tập trung cho một số đối tượng như người trẻ dưới 35 tuổi, triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Theo An Vũ/Reatimes.vn (https://reatimes.vn/phan-dau-tang-truong-cong-nghiep-xay-dung-khoang-95-tro-len-202250305140952779.htm)