Mới đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Quảng Trị nhận được nguồn tin báo có đối tượng đang tập kết hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, được ngụy trang trong những bao tải. Qua xác minh thông tin, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 đã tiến hàng kiểm tra và phát hiện có 1.630 cái áo các loại hiệu Adidas không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không có chủ nhận. Đội QLTT số 2 ra quyết định tạm giữ toàn bộ số lượng hàng hóa nói trên để xử lý theo quy định của pháp luật, trị giá hàng hóa ước tính khoảng 190.000.000 đồng.
Cùng ngày, vào rạng sáng 14/9, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Phú Yên phối hợp với Phòng PC 03,08 Công an Phú Yên kiểm tra xe ô tô Biển kiểm soát 89C-183.88 lưu hành theo hướng Bắc - Nam. Tại thời điểm khám, Đoàn kiểm tra phát hiện 1.600 bánh Trung Thu do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đội QLTT số 1 đã ra quyết định tạm giữ để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 14/9, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) bất ngờ kiểm tra một số cơ sở nằm trên phố Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) và phố Láng Hạ (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) phát hiện gần 1.000 hộp sữa có tên trên vỏ hộp là HiKid có nhiều nghi vấn.
Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Qua đấu tranh khai thác, bước đầu lực lượng liên ngành xác minh được toàn bộ lô hàng sữa có xuất xứ từ Hàn Quốc.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện một căn hộ tại chung cư có địa chỉ tại 88 Láng Hạ (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) là địa điểm trung chuyển của nhiều loại hàng hóa Hàn Quốc nghi nhập lậu vào Việt Nam. Hiện lực lượng liên ngành đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số hàng để xử lý theo quy định.
Theo Công Luận